Minh bạch trong đầu tư công

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh đến chống lãng phí, tiết kiệm trong đầu tư công. Đây là việc làm không dễ, nếu không có giải pháp đồng bộ. Mà một trong những giải pháp cần phải thực hiện ngay, là phải minh bạch trong đầu tư công; xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân thực hiện các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách.


Phải thấy rằng, đầu tư công chủ yếu là từ nguồn vốn ngân sách vào các lĩnh vực phục vụ lợi ích chung. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là tiền dân đóng thuế, thua lỗ dân chịu cả nên lãnh đạo một số nơi vẫn phóng tay đầu tư xây dựng, cốt sao có dự án để có dịp “phết phẩy”. Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau như buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.


Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, 100% ý kiến của các đại biểu đều tán thành việc cần thiết phải ban hành Luật Đầu tư công để hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước. Nhiều đại biểu cho rằng, minh bạch trong đầu tư xây dựng các công trình, dự án là việc làm cần thiết, nhưng hết sức khó khăn, nhất là các công trình, dự án có quy mô lớn và tính chất phức tạp. Để tăng hiệu quả đồng vốn và chất lượng công trình, thì việc minh bạch và công khai các thông tin về dự án là điều hết sức quan trọng.

Do tính đặc thù là thời gian thực hiện kéo dài, có khi một dự án nhưng lại do nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện, quản lý, vốn đầu tư lớn,... nên nguy cơ tham nhũng, tiêu cực ở các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách là rất lớn. Hơn nữa, khi triển khai các công trình, dự án phải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu xác định dự án, khảo sát, thiết kế, chọn nhà thầu, thi công xây dựng, chất lượng, tiến độ, chi phí,... Chính vì vậy, việc quản lý các công trình, dự án là không hề đơn giản.


Để đảm bảo tính minh bạch và tiết kiệm, Chính phủ chỉ đạo tiến hành đấu thầu các dự án công. Tuy nhiên, trong những cuộc đấu thầu các công trình công hiện nay, thì phần thắng đa phần thuộc về các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).


Vấn đề đặt ra là cần chú trọng đến tính minh bạch thông qua một cơ chế quy định quyền giám sát cho người dân cùng các cơ quan chuyên trách. Nghĩa là, người dân phải được biết Nhà nước dùng tiền của họ cho dự án gì, và dự án đó phải là do chính người dân chọn chứ không phải xuất phát từ ý chí của địa phương hay Trung ương. Hơn nữa, các đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu phải công khai các hoạt động, cung cấp thông tin liên quan đến công trình dự án để người dân giám sát. Tuy nhiên, việc làm này chưa được thực hiện nghiêm túc.

Tình trạng các dự án chậm tiến độ, nhà thầu yếu kém vẫn tồn tại ở rất nhiều dự án nhưng không được các chủ đầu tư báo cáo và công khai trước dư luận. Điều này vô hình trung dẫn đến sự lấp liếm, bao che cho sai phạm, bắt tay nhau giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Minh chứng cho việc này là ở không ít dự án, nhiều nhà thầu được phê duyệt trúng thầu, nhưng lại yếu kém cả về năng lực tài chính, kinh nghiệm lẫn nhân sự điều hành. Hậu quả, là rất nhiều công trình, dự án bị đội vốn, chậm tiến độ, nhanh xuống cấp, gây dư luận xấu trong xã hội.


Chủ trương chống lãng phí, triệt để tiết kiệm trong các công trình đầu tư công là thông điệp cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là việc không dễ, nếu không có giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả đầu tư. Mà một trong những việc cần phải làm ngay đó là phải có địa chỉ trách nhiệm đối với các công trình, quyết định đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn ngân sách.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN