Thế giới đang dõi theo tình hình lũ lụt ở Thái Lan, một trận lụt chưa từng có trong nửa thế kỷ qua đang từng ngày nhấn chìm thủ đô Băngcốc. Nhưng chẳng riêng gì Thái Lan, khắp năm châu, quốc gia nào cũng ít nhiều phải hứng chịu thảm họa tang tóc của biến đổi khí hậu. Trước khi dòng nước lũ cuồn cuộn tràn về Thái Lan là các trận bão ngày càng nhiều và mạnh hơn ở Philíppin, là những đợt lở đất làm sập cả những ngôi nhà cao tầng ở Trung Quốc, hay những trận lũ lụt hoành hành ở Trung Mỹ,... Thiên tai không ngừng ập đến, gây ra vô vàn đau thương cho con người. Phải chăng Mẹ Thiên nhiên đang nổi giận trước sự bất cẩn và tham lam của loài người?
Trái Đất đã cung cấp cho loài người một hệ sinh thái hoàn hảo. Nhưng con người đã đáp lại sự hào phóng ấy bằng việc khai thác ồ ạt tài nguyên thiên nhiên, thải chất ô nhiễm vào đất đai, sông ngòi và bầu khí quyển. Đến một thời điểm, Trái Đất không còn đủ sức chịu đựng và con người bắt đầu gánh chịu hậu quả. Hành động của con người đã đẩy chính mình đứng trước những mối đe dọa nghiêm trọng. Các hiện tượng thời tiết bất thường, nhiệt độ tăng cao, băng tan, mực nước biển dâng, mưa lũ, bão lốc, giông tố, đang không ngừng gia tăng cả về số lượng và sức mạnh. Và hậu quả là dịch bệnh, mất mùa, mất nơi ăn chốn ở, thiếu đất canh tác, suy giảm đa dạng sinh học...
Theo dự báo của Liên hợp quốc, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến lượng mưa, nhiệt độ và nước dùng cho nông nghiệp. Dự báo đến năm 2035, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 2 độ C, tiếp tục làm tan chảy các dòng sông băng, đẩy mực nước biển dâng cao. Hậu quả là nhiều vùng sản xuất lương thực trù phú, khu vực đông dân cư, các đồng bằng lớn, các đảo thấp trên Trái Đất sẽ lần lượt ngập chìm trong nước biển.
Từ nhiều năm trước, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh nguyên nhân trực tiếp của biến đổi khí hậu là do phát thải quá mức khí nhà kính, đặc biệt là CO2, từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch trong quá trình phát triển công nghiệp. Tình trạng phá rừng và khai thác gỗ tràn lan cũng là nguyên nhân làm tăng thêm 20% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
Nguyên nhân thì đã rõ và giờ đây con người cần phải hành động trước khi quá muộn. Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sắp hết hạn, còn một nghị định thư “hậu Kyoto” đang thiếu vắng sự tham gia của những nước sản sinh ra lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới.
Đừng biến Trái Đất thành một môi trường sống khắc nghiệt. Đến một ngày nào đó, liệu con người có phải rời Trái Đất để tìm nơi sinh sống mới trong vũ trụ hay không? Tin buồn là cho đến thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra một hành tinh nào có sự sống, ngoài Trái Đất.
Cẩm Tuyến