Sau gần ba năm đương đầu với đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã dần điều chỉnh quan điểm chống dịch, nhằm tái khởi động du lịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới. Một số nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan… cho phép mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Liên minh châu Âu mở cửa đi lại nội khối và cho phép công dân các nước thứ ba nhập cảnh có điều kiện… Trong bối cảnh như vậy, nếu Việt Nam tiếp tục thắt chặt những quy định không còn phù hợp với tình hình mới, sẽ bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy phục hồi du lịch nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Để nhanh chóng phục hồi du lịch trong bối cảnh dịch bệnh, có rất nhiều giải pháp được xây dựng, như: An toàn phòng chống dịch bệnh; tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế; giảm bớt thủ tục cho khách du lịch quốc tế; công nhận hộ chiếu vaccine; nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch… Quan điểm nhất quán là hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể, nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình, an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn, không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ.
Có lẽ, vấn đề được quan tâm lúc này là cần có quyết sách ra sao để ngành du lịch không lỡ mất thời cơ hồi phục và cạnh tranh? Mở cửa như thế nào để vừa không làm du khách ngại ngần do vướng nhiều thủ tục, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là khi Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc trong năm nay.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa thông qua đường không, đường bộ, đường biển, đường sắt đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong bình thường mới.
Với Việt Nam, dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát, chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai cũng như việc dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế…, đã tạo điều kiện thuận lợi để tái khởi động du lịch; mở ra cơ hội lớn để ngành du lịch phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Theo Tổng cục Du lịch, khách du lịch quốc tế chiếm tới 80% số lượng hành khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam. Việc mở cửa trở lại du lịch đúng thời điểm không chỉ thu hút thêm nhiều du khách đến Việt Nam, cạnh tranh với các nước trong khu vực, mà còn là cơ hội xây dựng được những thương hiệu và điểm đến hấp dẫn du khách trong bối cảnh thế giới mở cửa nền kinh tế và du lịch.
Tuy nhiên, con đường để du lịch Việt Nam phục hồi, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn gặp nhiều khó khăn, còn không ít rào cản, trở ngại. Trong đó, quy định về y tế trong đón khách quốc tế vẫn chưa có sự đồng thuận, thống nhất giữa các ngành chức năng cũng như các địa phương có điểm đến.
Từ góc độ y tế, hiện số ca mắc COVID-19 đã lan ra cả nước, với tỷ lệ mắc cao. Dựa trên cơ sở khoa học và căn cứ vào tình hình thực tiễn, chúng ta không thể giữ khư khư quan điểm chặn dịch bằng cách đóng cửa, mà chuyển sang “thích ứng an toàn, chung sống với COVID-19”, ngăn đà lây nhiễm, giảm số ca bệnh nặng và tỷ lệ người tử vong. Đặc thù của du lịch là liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau, do vậy, cùng với việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt trong từng hoạt động cụ thể.
Trên thực tế, quyết định mở cửa hoàn toàn du lịch không có nghĩa là sẽ ngay lập tức có khách quốc tế, nhất là khi mùa cao điểm đã đi qua. Vào thời điểm được phép mở cửa du lịch hoàn toàn, cũng là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh chào bán tour, xây dựng lịch trình, chuẩn bị cơ sở vật chất để đón khách. Do vậy, các doanh nghiệp du lịch đều mong muốn quy định về đón khách quốc tế cần sớm được thống nhất để họ sớm triển khai thực hiện. Việc đó sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí (marketing, truyền thông…) và cũng là cách giữ uy tín cho du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu cứ nửa vời, liên tục thay đổi, thì không chỉ ảnh hưởng đến nỗ lực chuẩn bị của doanh nghiệp du lịch, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới 2,5 triệu lao động của ngành “công nghiệp không khói”.
Ở một góc độ khác, để tạo “luồng xanh” cho du lịch trong điều kiện bình thường mới, Việt Nam cần sớm khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch, như chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch COVID-19… Đây cũng là yếu tố quan trọng để du lịch phục hồi và phát triển.