Trật tự vỉa hè luôn là vấn đề nóng của Hà Nội. Dù các cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức nhiều đợt ra quân rầm rộ, tuy nhiên tình trạng lấn chiếm vỉa hè không những không giảm mà còn có chiều hướng phức tạp hơn. Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè lâu nay gây bức xúc trong dư luận xã hội, không chỉ bởi những vi phạm thường trực, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề như ý thức người dân, trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng…
Trước những nhức nhối về trật tự vỉa hè, trong nhiều năm qua, các lực lượng chức năng của thành phố không ít lần tổ chức các đợt ra quân chấn chỉnh. Nhưng các đợt ra quân thường chỉ rầm rộ trong những ngày đầu, rồi sau cứ "đuối dần" và rơi vào quên lãng. Ðơn cử như các đợt ra quân tuyên truyền về việc phân làn đường trên 5 tuyến giao thông trọng điểm, tốn kém nhiều tiền của, nhưng đến nay đã lộn xộn trở lại. Hay quy định của UBND thành phố về việc cấm bán hàng rong, cấm để xe trên vỉa hè và lòng đường hơn 50 tuyến phố khu vực trung tâm. Khi mới ban hành thì thực hiện khá nghiêm, nhưng cũng chỉ duy trì trong một thời gian ngắn, sau đó vỉa hè ở những tuyến phố này lại bung ra chẳng khác một cái chợ.
Mới đây nhất, UBND thành phố ban hành Chỉ thị 17/CT-UBND tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Thế nhưng, kết quả triển khai cũng “đầu voi đuôi chuột”. Trên danh nghĩa, có rất nhiều cơ quan quản lý, khoán quản, nhưng gần như ở tuyến phố nào của Hà Nội, vỉa hè cũng bị cắt, xẻ làm các điểm trông giữ xe, cơi nới kinh doanh buôn bán tùy tiện. Thậm chí, người ta còn luân phiên kinh doanh vỉa hè theo giờ, theo buổi sáng trưa, chiều, tối, đêm…, khiến cho vỉa hè lúc nào cũng đặc kín. Phổ biến là vỉa hè được tận dụng để trông giữ phương tiện ô tô, xe máy. Chỉ cần mấy cái cọc sắt đóng trên vỉa hè cùng một đoạn dây thừng chăng xung quanh, một vạch vôi trắng trên vỉa hè là có được điểm trông xe lý tưởng.
Người (đơn vị) trông giữ xe không bị nhắc nhở, ngăn chặn, nên họ lấn tới và nghĩ cách làm sao chiếm được nhiều vỉa hè để thu được nhiều tiền hơn. Đã có thời điểm, một số phường áp dụng hình thức khoán quản theo kiểu giao cho doanh nghiệp trông giữ xe, rồi yêu cầu họ tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Nhưng hệ quả, những đơn vị, cá nhân nhận khoán chỉ lo thu thật nhiều tiền, mà lờ đi việc nhắc nhở các hộ kinh doanh, nhà hàng, hàng rong và cũng quên luôn trách nhiệm tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông… Theo thống kê của Công an Hà Nội, các quận nội thành hiện có hơn 1.000 điểm trông giữ phương tiện, nhưng chỉ có hơn 600 điểm được cấp phép, số còn lại hoạt động chui. Qua kiểm tra 270 điểm, thì có 230 điểm vi phạm. Đây cũng là nguyên nhân làm mất trật tự kỷ cương và cảnh quan đô thị, gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…
Rất nhiều ý kiến nhận xét, ý thức kém của nhiều người dân cộng với sự thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương…, đã tạo điều kiện cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến phố của Thủ đô ngày càng trầm trọng... Mới đây, Sở Giao thông Vận tải thành phố đề xuất việc cấm kinh doanh trên vỉa hè. Đó là việc làm cần thiết để đảm bảo mỹ quan đô thị và quan trọng là để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Nhưng làm thế nào để mang lại hiệu quả, thì đó mới là vấn đề.
Ngoài những nguyên nhân khách quan như tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số quá nhanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dù đã được đầu tư nhưng phát triển chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội; kinh tế khó khăn khiến cho mọi người dân đều cố "nhao" ra mặt phố để kiếm sống..., thì nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý còn bị buông lỏng, sự phân công, trách nhiệm không rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên...
Rõ ràng, nếu tình trạng lấn chiếm vỉa hè tái diễn, thì dù thành phố có đầu tư cả vài trăm tỷ đồng mỗi năm cho cải tạo vỉa hè, thì bộ mặt đô thị Thủ đô vẫn cứ nhem nhuốc và hàng triệu mét vuông vỉa hè vẫn bị các đơn vị, cá nhân chiếm dụng để làm giàu bất chính.
Yến Nhi