'Kỷ luật tích cực' thay vì trừng phạt

Kể từ ngày 1/11 tới đây, những hình thức kỷ luật đầy ám ảnh với bao thế hệ học sinh và các bậc phụ huynh như phê bình trước lớp, trước trường, cảnh cáo ghi học bạ và đuổi học sẽ không còn được áp dụng. Thay vào đó là những hình thức “kỷ luật tích cực” bằng cách trao cho học sinh vi phạm cơ hội thực sự để sửa chữa, tiến bộ, mà không gây ra những “vết đen” trong tâm hồn, hay những hệ luỵ ảnh hưởng tới cả tương lai các em.

Theo Thông tư 32/2020 về Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 15/9/2020, thì “học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiến trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Như vậy, nội dung về xử lý kỷ luật học sinh đã có sự thay đổi rất lớn nếu so với Thông tư số 12/2011 của Bộ GD&ĐT (ban hành ngày 28/3/2011) về Điều lệ trường tiểu học và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học - hiện đang được áp dụng trong các nhà trường. Thông tư 12 quy định: “Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn”.

Chúng ta đều biết công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh trong các nhà trường phổ thông được thực hiện nhằm mục đích khuyến khích, thúc đẩy học sinh phấn đấu vươn lên, rèn luyện bản thân; phòng ngừa và ngăn chặn học sinh vi phạm nội quy, quy định của nhà trường; phòng, chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn và bình đẳng. Tuy nhiên, hoạt động khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông hiện vẫn đang được thực hiện theo Thông tư 12 vừa nêu, cũng như Thông tư số 08/TT của Bộ GD&Đ vốn được ban hành từ ngày 21/3/1988, tức là cách đây đã hơn 30 năm. Một số quy định tại “Thông tư 08/TT Hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông” đã không còn phù hợp thực tiễn công tác giáo dục học sinh hiện nay. Đặc biệt, quy định về xử lý kỷ luật học sinh mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, mà chưa thể hiện được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa, cũng như chưa coi trọng yếu tố gia đình và nhà trường cùng phối hợp để tìm biện pháp giúp các em sửa chữa, thay vì chỉ nhăm nhăm trừng phạt. 

Từ thực tiễn nêu trên, bên cạnh việc ban hành Thông tư 32/2020, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện dự thảo Thông tư mới quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông để thay thế Thông tư 08/TT và hiện đang tiếp tục lấy ý kiến dư luận xã hội đến ngày 30/10/2020. Dự thảo Thông tư mới hướng đến “kỷ luật tích cực”, một khái niệm ngày càng được các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và những nhà giáo dục đề cao. Đây được xem là phương pháp tiến bộ và hữu hiệu trong giáo dục những học sinh vi phạm nội quy, kỷ luật của nhà trường. Kỷ luật tích cực hướng tới những nguyên tắc như: Vì lợi ích tốt nhất của học sinh; Không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của học sinh; Khích lệ, tôn trọng; Và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh.

Nếu như Thông tư 08/TT ra đời cách đây 32 năm chủ yếu đề ra các hình thức kỷ luật đánh vào lòng tự trọng của học sinh thì dự thảo Thông tư mới về khen thưởng và kỷ luật học sinh đã bổ sung hẳn một điều khoản về các biện pháp giáo dục "kỷ luật tích cực". Điều khoản này đề ra các biện pháp như khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm; Phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm; Tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý. 

Bên cạnh việc đề ra “kỷ luật tích cực”, Bộ GD&ĐT đã loại bỏ hai hình thức kỷ luật gây tranh cãi, thậm chí bị cho là phản giáo dục, là khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường, cảnh cáo ghi sổ học bạ và đuổi học. Hình thức kỷ luật “bêu tên” trước lớp, trước trường sẽ khiến học sinh mặc cảm, xấu hổ, gây tổn thương về mặt tâm lý; thậm chí có thể gây tác dụng ngược, càng khiến các em ngỗ ngược, bất cần và có hành động xấu hơn. Việc ghi sổ học bạ nội dung kỷ luật đồng nghĩa tạo ra “vết nhơ” đeo đuổi và có thể cản trở những nỗ lực trong cuộc đời các em. Trong khi đó, với việc loại bỏ hình thức kỷ luật buộc thôi học, theo quy định mới, các nhà trường có thể áp dụng biện pháp tạm dừng học tập trên lớp, nhưng vẫn phải thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.

Những thay đổi tích cực trong các chính sách về kỷ luật học sinh cho thấy các nhà giáo dục đã nhìn nhận rằng, việc học sinh phạm lỗi không phải là chuyện tày trời, mà là những hành vi có thể xảy ra với bất cứ ai, nhất là với trẻ em, trong những điều kiện, hoàn cảnh, môi trường nhất định. Việc xử lý kỷ luật chỉ nên áp dụng như một biện pháp cuối cùng sau khi nhà trường đã phối hợp với gia đình tìm ra nguyên nhân và hỗ trợ, tạo động lực giúp các em tự nhìn nhận và sửa đổi. Xử lý kỷ luật phải nhắm đến mục tiêu cao nhất là xây dựng một môi trường học tập, rèn luyện thực sự nhân văn, là nơi các em học sinh vừa được trau dồi kiến thức, vừa tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện nhân cách để có thể vững vàng bước vào đời.

Thu Hằng
Nghệ An: Tuyên dương các học sinh đạt thành tích cao 
Nghệ An: Tuyên dương các học sinh đạt thành tích cao 

Tối 19/9, tại thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và học sinh đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN