Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch, người dân rất lo lắng và tự trang bị cho mình những vật dụng cần thiết như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn để phòng chống dịch. Chính vì lẽ đó mặt hàng khẩu trang là lựa chọn đầu tiên tại các cửa hàng thuốc có bán vật tư y tế.
Câu chuyện tăng giá bán khẩu trang đã rộ lên từ ngày 26/1, khi một doanh nghiệp cung cấp hàng hóa tại sân bay đã nhanh tay, nắm được tâm lý hành khách nên bán khẩu trang với giá 35.000 đồng/chiếc. Từ thông tin trên đã gây bức xúc trong dư luận, dấy lên mối nghi ngại về tình trạng “chặt chém” ăn theo mùa dịch sẽ tiếp diễn. Quả nhiên, trong khi dịch đang có diễn biến phức tạp thì trên thị trường bán khẩu trang và nước sát khuẩn những ngày cuối tháng 1/2020, nhiều cửa hàng đã “té nước theo mưa”, tự nâng giá khẩu trang từ 50.000 đồng/hộp (loại 50 chiếc/hộp) lên tới 200.000 đồng/hộp, cá biệt có nơi bán tới 350.000 đồng/hộp.
Trước hiện tượng trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra, đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể và quyết liệt trong phòng chống dịch, trong đó yêu cầu rút giấy phép kinh doanh các hiệu thuốc tự ý tăng giá bán khẩu trang.
Trong bối cảnh hiện nay, tuyên truyền để người dân bình tĩnh, hiểu rõ và phòng chống dịch bệnh đúng cách, kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tăng giá là thiếu đạo đức, thiếu tình người. Sự vào cuộc quyết liệt mà cơ quan chức năng đang triển khai đã góp phần “bình ổn” thị trường khẩu trang và nước sát khuẩn cũng như những sản phẩm phục vụ phòng chống dịch.
Kết quả là ngay trong ngày 1/2 đã có 85 cửa hàng bán khẩu trang và vật tư phòng dịch trên toàn quốc bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý với số tiền vi phạm gần 89 triệu đồng. Số hàng hóa tạm giữ là 4.870 khẩu trang. Toàn bộ số hàng hóa đang tạm giữ đã được đưa ra thị trường để phục vụ nhu cầu của người dân.
Dẫu rằng, đã buôn bán thì phải có lợi nhuận, nhưng đẩy giá kiếm tiền trong lúc dịch bệnh, “sống trên lưng sức khỏe cộng đồng” là thiếu đạo đức. Trong khi diễn biến dịch bệnh phức tạp, cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc chống dịch, không phải tất cả ai cũng chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân. Những câu chuyện về các y bác sĩ, các nhà khoa học tự nguyện lên đường tìm đến vùng dịch để hỗ trợ điều trị hay để nghiên cứu tìm vaccine vẫn khiến chúng ta xúc động.
Và ngay cả tại Việt Nam, bên cạnh nhiều cửa hàng, nhà thuốc lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán khẩu trang, nước sát khuẩn thì vẫn có những doanh nghiệp, những cá nhân thiện nguyện phát khẩu trang miễn phí giúp người dân có vật dụng phòng dịch.
Ngay trong sáng 2/2, nhóm thiện nguyện Hoa Cúc Xanh kết hợp với Báo An ninh Thủ đô và Đoàn Thanh niên Công an Hà Nội tổ chức phát 75.000 chiếc khẩu trang miễn phí cho người dân Thủ đô.
Được biết, đây là số khẩu trang do một “mạnh thường quân” tại TP Hồ Chí Minh đã bỏ tiền ra mua 70 thùng khẩu trang tương đương 175.000 chiếc, trong đó có 75.000 chiếc được gửi gấp bằng đường hàng không ra Hà Nội để kịp phát miễn phí đến tay người dân sử dụng phòng dịch virus Corona có nguy cơ bùng phát mạnh.
Không riêng gì ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mà còn nhiều nơi khác trên cả nước; tại các cửa hàng, hiệu thuốc, bến xe, nhà ga, khu vui chơi công cộng… nhiều nhóm tình nguyện đã tự tay cấp phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân, người tham gia giao thông để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân. Họ làm như vậy với tấm lòng tương thân tương ái, coi công tác phòng dịch là việc ưu tiên với mình và cộng đồng, làm việc tốt không kể lợi nhuận.
Dịch bệnh luôn là điều không mong muốn với bất cứ ai và với cả xã hội. Ngoài hậu quả lớn nhất là cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, dịch bệnh gây nên những tổn hại, di chứng về sức khỏe và hơn hết là đảo lộn cuộc sống gây ra những thiệt hại khó lường hết cho cả nền kinh tế, xã hội của nhiều nước trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, trước dịch bệnh virus nCoV ở mỗi quốc gia, mỗi tổ chức và mỗi doanh nghiệp cũng như cá nhân đều cần có trách nhiệm. Dù những việc làm nhỏ ở những mức độ nhất định cũng sẽ góp phần ngăn chặn dịch bệnh, trách sự lây lan.
Bên cạnh trách nhiệm với cộng đồng, điều cần thiết lúc này là cái tâm của người bán hàng, doanh nghiệp, là lương tri của mỗi người “Thương người như thể thương thân” chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV một cách hiệu quả nhất.