Trên 50 nhà doanh nghiệp đã tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, công du đến đất nước Mianma. Trong số họ, có những người trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp qua lại vùng đất Miến Điện giàu tiềm năng và thấm đượm văn hóa Phật giáo này đến hàng chục lần. Lại có những người lần đầu đến làm khách. Có cả tâm trạng mừng vui phấn khích, có cả những toan tính nghĩ suy cho bước đường làm ăn trên nước bạn.
Chương trình làm việc ba ngày của Chủ tịch nước ở nước bạn, cùng với những cuộc hội đàm, hội kiến cấp cao, có dành một phần nội dung công việc để thăm hỏi, động viên cộng đồng Việt Nam sinh sống tại Mianma, đặc biệt là hoạt động của các doanh nhân Việt tại nơi này. Từ cố đô Yangon trở về Hà Nội trên chuyến chuyên cơ cuối tuần qua, có thể gọi là “mã đáo thành công” với không ít người, khi được phía bạn cấp giấy chứng nhận đầu tư cùng với những ưu đãi cho phép sinh lời trông thấy. Nhẩm một phép tính đơn giản, thì với các dự án đầu tư hết sức khả thi, dự kiến triển khai tại các lĩnh vực: dầu khí, viễn thông, nông nghiệp, ngân hàng, tài chính, sẽ không khó để kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Mianma cán đích 500 triệu USD như mục tiêu đề ra.
Với 12 lĩnh vực hợp tác kinh tế mà ta và bạn xác định ưu tiên hợp tác, khẳng định trong chuyến thăm của Chủ tịch nước, thì rõ là có một thị trường mở đang chờ đợi các doanh nghiệp Việt Nam. Có thị trường đồng nghĩa với có “cầu” để tăng cung. Kích cầu ở thị trường trong nước đã thấy nói đến nhiều, nhưng kích cầu những thị trường xa thì không phải ai cũng nghĩ tới.
Mianma, gọi là “xa” khi ai đó vẽ ra một sự ngăn cách về không gian hành chính, nhưng sẽ là không xa khi năm 2015, ASEAN là một cộng đồng. Không xa khi trong quá khứ Mianma đã từng là người bạn thân thiết chí tình ủng hộ Việt Nam trong cả đấu tranh giành độc lập lẫn xây dựng đất nước. Không xa trong những lần hội ngộ cấp cao trong lịch sử bang giao hai nước, và đặc biệt là chuyến thăm cấp nhà nước vừa rồi, bốn nhân vật “quyền lực” nhất Mianma là: Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện, Thủ hiến Yangon, đều dành cho nguyên thủ nước ta những tình cảm vượt lên nghi lễ ngoại giao thông thường. Và tại Diễn đàn doanh nghiệp của doanh nhân hai nước tổ chức tại Yangon, trả lời câu hỏi về những kinh nghiệm thời mở cửa của Việt Nam, Chủ tịch nước đã bày tỏ, là hai đất nước có nhiều điểm tương đồng, Mianma thành công cũng là chúng tôi thành công, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế hai nước.
Mianma đang có những bước đi nhanh chóng để mở cửa, tạo hứng khởi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng sẽ là những vận hội cho những ai biết tận dụng ở nơi được gọi là “mảnh đất vàng” cuối cùng của khu vực châu Á. Nền tảng quan hệ truyền thống giữa hai nước đã sẵn, những trụ cột quan hệ kinh tế cũng đã được xây nên. Vấn đề còn lại là trách nhiệm làm cho tốt, là nỗ lực để giữ được những gì đang có. Người ta nói nhiều đến những khó khăn doanh nghiệp trong nước đang đối mặt. Nhưng khó khăn không có nghĩa là chờ một sự phục hồi theo chu kì kinh tế học, cơ hội đến rồi mới gượng dậy, mà phải chủ động đột phá, tìm hướng đi, tạo vị thế mới, hay thiết thực trong mỗi chuyến đi ngoài nước là tìm giải pháp kích cầu thị trường xa.
Có một điều đáng kể nữa là, đồng hành cùng các doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư lần này, lãnh đạo một tỉnh vùng cao cực Bắc Tổ quốc, đã không quên mang theo mấy cân chè đặc sản của Hà Giang, vừa đáp lại tình hiếu khách, vừa để quảng bá thương hiệu khôn ngoan. Chừng như cách “tiếp thị” cho sản vật xứ mình không còn là thói quen của chỉ có ở chính khách nước ngoài.
Hoàng Giang