Không thể xem thường

Vụ hai “bảo mẫu” hành hạ trẻ em dã man xảy ra tại cơ sở mầm non Phương Anh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từng gây phẫn nộ dư luận thời gian qua cuối cùng đã được đưa ra xét xử ngày 20/1 với mức án dành cho mỗi bị cáo (Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý) là 3 năm tù giam. Không còn phải bàn cãi, hành vi của các bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội, xâm phạm sức khỏe, thể chất và tinh thần đối với các em, đi ngược lại với truyền thống đạo đức xã hội.


Dù bản án đã được tuyên, nhưng với những người làm cha làm mẹ và với dư luận xã hội, vẫn còn đọng lại nhiều day dứt không thể xem thường. Sau những vụ trẻ em bị hành hạ liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, cũng với những bức xúc và phẫn nộ, rất nhiều người đã đặt câu hỏi: Làm thế nào có đủ trường lớp cho trẻ mầm non, làm gì để việc giữ trẻ được an toàn?


Có một thực tế, trường lớp dành cho lứa tuổi nhà trẻ, trước hết là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay đang thiếu trầm trọng, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn, khu công nghiệp. Ở những khu vực này, các cặp vợ chồng trẻ thường từ nông thôn ra thành thị kiếm sống, đồng lương ít ỏi, đành nhắm mắt gửi con vào các cơ sở trông giữ trẻ tự phát, nguy cơ con trẻ bị bạo hành rất cao. Bên cạnh đó, một số chính sách hiện hành thường chỉ ưu tiên cho khu vực trường công; còn trẻ theo học trường tư hầu như không được hưởng chính sách ưu đãi này.


Mới đây, Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký một văn bản về tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, sự phối hợp này chỉ được chú trọng ở khu vực nội đô, nội thị, khu vực các trường công lập. Còn tại các địa bàn khó khăn, khu vực các trường dân lập thì chưa nhận được sự quan tâm cần thiết. Thế nên, có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra trong các nhóm, lớp mầm non nằm ngoài hệ thống công lập.


Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chính sách ưu đãi của nhà nước đến được với trẻ em ở cả khu vực giáo dục dân lập. Đây là việc không phải của riêng ngành giáo dục, mà cần sự phối hợp của chính quyền địa phương, từ tổ dân phố tới phường xã. Các trường, cơ sở mầm non dân lập rất cần thành lập hội đồng bao gồm đại diện phụ huynh, chính quyền và đại diện ngành giáo dục đào tạo để phân công theo dõi, kiểm soát công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Có làm được như vậy thì mới hy vọng hạn chế những câu chuyện đau lòng xảy ra đối với trẻ em.


Để ngăn chặn triệt để các hành vi bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, vấn đề là phải ngăn chặn từ gốc, tránh trình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Mà muốn ngăn chặn từ gốc, trước hết đòi hỏi các địa phương cần có chính sách cụ thể, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường mầm non cho con công nhân và người lao động. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và các bậc phụ huynh trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ.


Về phía các bậc phụ huynh có con gửi nhà trẻ, cần phải tìm hiểu, xem xét thật kỹ trước khi gửi con mình đến các nhóm lớp, đừng chỉ vì tiện cho việc đưa đón mà gửi con thiếu suy tính. Một vấn đề khác là trách nhiệm của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, khu dân cư trong việc giám sát, phát hiện kịp thời những lớp mở chui, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến cho các bậc phụ huynh về kiến thức, kỹ năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ khoa học; công khai trên các phương tiện truyền thông các nhóm lớp được cấp phép để phụ huynh biết và lựa chọn.


Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng, là việc kiểm tra, cấp phép mở các cơ sở trông giữ trẻ, phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định hiện hành; các cấp quản lý giáo dục phải chủ động phối hợp với chính quyền trong việc kiểm tra và kiên quyết trong xử lý vi phạm.



Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN