Khôi phục niềm tin cho doanh nghiệp

Tại phiên họp thường ký tháng 8 của Chính phủ, khi đề cập một số kết quả bước đầu trong xây dựng thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rằng: Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, của xã hội và thị trường và nhân dân đang được khôi phục, cải thiện mạnh mẽ.

Đây là bước chuyển đáng được ghi nhận trong công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng thực sự vì dân, vì doanh nghiệp. Điều đó cũng cho thấy, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực đổi mới tư duy, hành động và kiến tạo; coi cộng đồng doanh nghiệp là động lực của tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. 

Xây dựng nền hành chính trong sạch, mang tính phục vụ, thích ứng với sự phát triển, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, đó là mục tiêu mà Chính phủ đặt quyết tâm thực hiện trên con đường đổi mới, hội nhập. Ý thức rõ vấn đề, Chính phủ đã thành lập một website riêng, tạo kênh thông tin tiếp nhận, xử lý các khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, bộ, ngành cũng tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tạo lập một nền hành chính dễ tiếp cận, giảm tối đa thời gian thủ tục hành chính, lệ phí, nền hành chính vì dân, vì doanh nghiệp; không để tình trạng doanh nghiệp kêu lên Chính phủ, địa phương mới biết, mới khắc phục.

Vẫn biết, còn rất nhiều việc phải làm, phải giải quyết, đụng chạm, thậm chí sẽ gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo Chính phủ là chấp nhận đối mặt với sự thật và coi đó là nút thắt cần phải tháo, nếu muốn đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Làm được như vậy, những vấn đề tồn đọng nhiều năm sẽ được mổ xẻ thấu đáo, giải quyết tận gốc, giúp các doanh nghiệp làm ăn chân chính yên tâm sản xuất, kinh doanh, không còn phải đau đầu hoặc mệt mỏi vì sự nhiêu khê của thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng thừa nhận rằng, đó mới là kết quả bước đầu, muốn tạo tiền đề bền vững thì quyết tâm thôi chưa đủ, mà đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của từng ngành, từng cấp, từng địa phương, đơn vị. Quan trọng hơn cả là cần có chế tài nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính. Quả thực, có thời gian dài, gặp vướng mắc, trở ngại trong giải quyết thủ tục hành chính mà người dân, doanh nghiệp không biết kêu ai, kiện ai. Chỉ khi lãnh đạo cấp trên trực tiếp chỉ đạo, thì khi ấy đơn vị và cá nhân có trách nhiệm mới vào cuộc? Đó chính là biểu hiện của tệ quan liêu, vô cảm, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi đó, đơn vị, cá nhân sai phạm lại không được xử lý tới nơi tới chốn.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, những bất cập về thủ tục hành chính trong nhiều năm qua đã kìm hãm sự phát triển chung của đất nước. Thủ tục hành chính rườm rà, không chỉ khiến doanh nghiệp, người dân tốn kém cả về thời gian lẫn chi phí, mà còn đánh mất niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào bản chất tốt đẹp của xã hội. Đây cũng chính là kẽ hở để tệ nạn xã hội phát sinh, để những kẻ cơ hội trục lợi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Không ít người dân, doanh nghiệp than phiền bị cán bộ thực thi công vụ dùng các quy định để nhũng nhiễu và để công việc trôi chảy họ buộc phải chi tiền lo lót, “sống chung” với ung nhọt.

Vậy làm thế nào để xây dựng một nền hành chính trong sạch, phục vụ? Có lẽ, việc cần làm trước tiên là nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính. Nói cách khác, nó đòi hỏi sự thay đổi về tư duy trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Yến Nhi
Khi thiên nhiên nổi giận
Khi thiên nhiên nổi giận

Thảm họa từ thiên nhiên đang là lời cảnh báo đối với con người về những tác động tiêu cực mà họ gây ra với thiên nhiên, môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN