Các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là tại Yên Bái, Lào Cai, người dân trong mấy ngày qua đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề của mưa lũ. Đã có những thống kê thật đau lòng và chắc rằng, những con số lạnh lùng đó chưa thể dừng lại, bởi thiên tai vẫn luôn rình rập và đe dọa cuộc sống con người.
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay, đẩy con người tới bờ vực của sự nguy hiểm. Một trong các nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu là những tác động của con người tới thiên nhiên như: chặt phá rừng gây mất cân bằng sinh thái, sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp một cách thiếu khoa học. Rồi khói thải công nghiệp, khói thải đô thị làm thủng tầng ôzôn, gây nên hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng dần lên. Nếu con người không có ngay các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn thì thảm họa từ thiên tai sẽ khôn lường.
Nói cách khác, nếu chậm trễ thì chắc chắn sẽ phải trả giá đắt. Vẫn biết, những trận lũ quét, lũ ống, sạt lở đất xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tình trạng hạn hán ở các tỉnh miền Trung; rồi lũ lụt, nước biển xâm thực ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... là tai họa từ trên trời rơi xuống, là bất khả kháng. Nhưng cũng phải nhìn nhận, đây không phải là một tai họa bất ngờ, mà nó được cảnh báo trước, khi con người có những tác động tiêu cực vào sự biến đổi của khí hậu và chính con người phải gánh chịu hậu quả của hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan. Nghiên cứu mới đây của Quỹ châu Á chỉ ra rằng, trong 20 năm qua, Việt Nam là 1 trong 5 nước có mức độ rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, với mức thiệt hại ước tính hàng năm cứ tăng dần. Trong tương lai, Việt Nam vẫn tiếp tục phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất do hậu quả của biến đổi khí hậu. Có lẽ, sự cảnh báo đó là không thừa, nếu như trong tiềm thức nhiều người “nắng mưa là chuyện của trời", các cấp chính quyền, ngành, địa phương chưa thật sự chủ động trong phòng chống, ngăn ngừa thiên tai.
Thiệt hại do thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng mức độ thiệt hại sẽ giảm nếu con người có hành động tích cực nhằm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống. Tình trạng hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua cho thấy, thiên tai luôn rình rập và sẽ trở thành thảm họa nếu con người đối xử thô bạo với rừng. Khi rừng đầu nguồn tiếp tục bị đốn hạ, thì những lo ngại của con người về thiên tai là hoàn toàn có thể hiểu được. Nạn phá rừng cũng chính là nguyên nhân khiến con người phải hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina với tần suất ngày càng nhiều và khốc liệt, dẫn đến bão lụt, lũ quét, lở đất...
Đáng chú ý, tại khu vực Tây Nguyên, nơi có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước (khoảng 2,6 triệu ha), thì trung bình mỗi năm có khoảng 26.000 ha rừng bị mất. Rừng mất vào tay “lâm tặc”; rồi cả người dân cũng tham gia phá rừng để làm nương rẫy… Rừng ở Tây Nguyên tiếp tục bị thu hẹp qua mỗi mùa khô và mỗi mùa rẫy. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án trên đất lâm nghiệp với diện tích gần 216.000 ha, trong đó có khoảng 100.000 ha chuyển sang trồng cao su.
Ý thức sâu sắc về hiểm họa to lớn, khó lường từ thiên tai, nhiều năm trở lại đây, Chính phủ Nhật Bản và nhiều tổ chức quốc tế đã dành cho Việt Nam những khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại để đối phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản đã dành cho Việt Nam khoản vốn ODA không nhỏ để triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, bằng nội lực, Chính phủ Việt Nam hằng năm cũng dành nguồn ngân sách đáng kể để triển khai các chương trình trồng, bảo vệ rừng, các dự án phát triển sạch, chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, ngăn nước biển dâng... Tuy nhiên, những nỗ lực đó chưa đủ, nó đòi hỏi sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng bằng những việc làm cụ thể.