Theo cơ quan công an, sai phạm chủ yếu là các trung tâm đăng kiểm đã bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, dùng nhiều biện pháp gian dối (cho thuê phụ tùng thay thế phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật), sử dụng phần mềm can thiệp làm thay đổi thông số kiểm định...
Từ hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện nhiều phương tiện xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm bánh không đúng kích thước, lốp mòn, biển số mờ...) nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định. Chỉ với 12 trung tâm đăng kiểm được kiểm tra tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, cơ quan công an đã phát hiện có trên 70.000 phương tiện không bảo đảm an toàn nhưng vẫn được cấp phép lưu thông và 52.291 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp trái quy định. Không dễ bắt gặp phương tiện bị bẹp, đầu xe biến dạng, hoặc biển số bị gẫy gập nhưng vẫn lưu thông. Rồi cả tình trạng lái xe thuê, mượn phụ tùng (lốp, gương, đèn chiếu sáng, thậm chí cả má phanh) khi đưa xe đi đăng kiểm.
Theo cơ quan công an, sai phạm phổ biến khi kiểm tra là cán bộ, nhân viên đăng kiểm nhận tiền của chủ phương tiện để bỏ qua lỗi vi phạm, thậm chí có hành vi tiếp tay cho chủ xe, lái xe thực hiện hành vi gian lận. Sai phạm trong công tác đăng kiểm là có hệ thống, có sự chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, thậm chí còn có hành vi bao che, bảo kê cho sai phạm.
Mặc dù biết được tác hại của việc điều khiển phương tiện không đảm bảo an toàn không chỉ nguy hiểm cho bản thân, mà còn đe dọa đến sự an toàn của nhiều người khác, nhưng đồng tiền đã làm họ quên mất trách nhiệm, nhắm mắt bỏ qua lỗi của chủ phương tiện.
Không thể phủ nhận, ngành chủ quản đã có nhiều nỗ lực trong kiểm tra, xử lý các sai phạm, như cách chức, luân chuyển cán bộ tại những đơn vị để xảy ra tiêu cực. Tuy nhiên, việc làm này không được tiến hành thường xuyên, mức xử lý vi phạm vẫn còn quá nhẹ, dẫn đến “lờn thuốc”,
Trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra thời gian gần đây, có nguyên nhân được nhìn nhận như một hiểm họa, đó là lỗ hổng trong kiểm định phương tiện. Không khó hiểu, phương tiện cơ giới được Nhà nước giao cơ quan đăng kiểm chịu trách nhiệm kiểm tra, giám định, chứng nhận và khi đáp ứng đủ điều kiện về an toàn mới được phép lưu thông. Thế nhưng, một số đơn vị đăng kiểm đã không làm tròn trách nhiệm của mình, vì vụ lợi mà bỏ qua các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiểm định; thiếu trung thực, khách quan khi thực hiện nhiệm vụ.
Từ các sai phạm được phát hiện tại một số trung tâm đăng kiểm vừa qua, đòi hỏi phải siết chặt công tác quản lý, giám sát đồng thời phải có chế tài đủ mạnh để xử lý. Đã có nhiều giải pháp được triển khai, như điều tiết phương tiện nhằm cân bằng cung cầu, siết lại quy trình cấp phép, đầu tư công nghệ trong hoạt động đăng kiểm… Tuy nhiên, những giải pháp nói trên đã không phát huy được hiệu quả khi thiếu những con người trung thực, tận tâm, trách nhiệm với công việc. Việc một số cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tay, móc ngoặc với các trung tâm đăng kiểm trục lợi bất chính đã được cơ quan công an làm rõ đã chứng minh điều đó.
Có ý kiến đề nghị, muốn giải quyết được triệt để vấn đề, thì cùng với tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, cần tiến hành quy hoạch lại mạng lưới đăng kiểm trên toàn quốc.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước hiện có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, trong đó có 196 đơn vị hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Phải khẳng định rằng, xã hội hóa hoạt động đăng kiểm là chủ trương đúng đắn trong điều kiện vốn ngân sách còn hạn chế. Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương này, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở để thực hiện các hành vi tiêu cực, không tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động. Bất cập rõ nhất là các chủ đầu tư thường chỉ quan tâm đầu tư trung tâm tại các đô thị lớn, trong khi có rất ít trung tâm được lập tại vùng sâu vùng xa, địa bàn khó khăn, khiến người dân, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi phải dồn về các đô thị, thành phố khi cần kiểm định phương tiện.
Bên cạnh đó, việc buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm để lôi kéo các chủ phương tiện. Nguy hại hơn, vì lợi nhuận mà một số đơn vị đã vi phạm các quy định pháp luật trong kiểm định như thực hiện sai quy chuẩn, quy định, rút bớt nội dung, hạng mục kiểm tra, giả mạo thông số kỹ thuật…
Để ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới, cùng với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, việc không được phép chậm trễ là xem xét sửa đổi những quy định không còn phù hợp, lỗi thời. Có như vậy mới bịt được những kẽ hở làm nảy sinh tiêu cực trong công tác kiểm định.