Tai nạn giao thông (TNGT) đang là vấn đề gây nhức nhối, mà một trong những nguyên nhân là người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia quá đà. Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch và dịp Tết Ất Mùi 2015, từ trung tuần tháng 12/2014, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đồng loạt quân kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với các lái xe.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình trạng lái xe lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông đang diễn ra khá phổ biến. TNGT xảy ra nhiều vào thời gian từ 18 đến 24 giờ và có tới 70% số vụ tai nạn trong thời gian này liên quan đến sử dụng rượu bia. Trong đó 55% số ca tai nạn ở lứa tuổi 15 - 29, 26% ở lứa tuổi 30 - 44. Đối tượng vi phạm quy định này nhiều nhất được phát hiện trên quốc lộ với hơn 36%, đường đô thị 27%, tỉnh lộ 14%, huyện lộ gần 15%. Đáng báo động là đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, đáng lẽ phải nghiêm túc chấp hành quy định này, thì lại là đối tượng vi phạm nhiều nhất.
Để công tác kiểm tra nồng độ cồn các lái xe cho kết quả cao nhất, các tổ công tác đã cử người bí mật theo dõi tại các khu vực có những quán bia, rượu. Khi phát hiện người nào rời quán có biểu hiện uống nhiều rượu bia, trinh sát sẽ báo tin cho chốt kiểm tra xử lý. Có lẽ, các thực khách khi đến quán nhậu đều ý thức được tác hại của sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên không phải lái xe nào cũng chấp hành nghiêm việc kiểm tra. Một số khi được yêu cầu thổi ống đo nồng độ cồn, thì họ thổi ngắt quãng khiến máy đo không phát huy được tác dụng. Có không ít chủ quán nhậu, vì sợ mất khách nên khi phát hiện lực lượng cảnh sát giao thông hóa trang, đã ngầm báo cho các khách hàng ruột của họ tìm cách đối phó…
Một thống kê (của Bộ Y tế) cũng đáng được lưu tâm: Việt Nam là nước tiêu thụ rượu, bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc). Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia; trong đó 1/4 trong số này sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại; 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia.
Thực tế, nhiều người vẫn có quan niệm “Nam vô tửu như kỳ vô phong” nên uống rượu, bia bất cứ lúc nào, kể cả lúc điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vượt qua được trở ngại về nhận thức cũng không phải là đơn giản. Hơn nữa, không phải lúc nào lực lượng chức năng cũng có thể giám sát, xử phạt được những người sử dụng rượu bia khi lái xe, nếu bản thân họ không ý thức rõ tác hại khôn lường của tệ nạn này. Các thực khách cũng biết rõ sử dụng nồng độ cồn quá mức cho phép khi lái xe sẽ bị xử phạt, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Họ biện minh rằng, dù có chuếnh choáng hơi men, nhưng họ vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái! Bởi vậy, rất dễ hiểu, cứ sau giờ tan tầm, lượng xe máy, ô tô của các tửu đồ lại quây kín các quán nhậu.
Rõ ràng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm không thể dừng ở các đợt ra quân, làm điểm, mà cần tiến hành thường xuyên, liên tục. Việc làm đó không phải của riêng lực lượng cảnh sát giao thông, mà cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là sự đồng thuận của chính những người điều khiển phương tiện.
Yến Nhi