Hà Nội thêm nhà siêu mỏng, siêu méo

Tuyến đường Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) vừa được thông xe kỹ thuật, đã xuất hiện nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, khiến con đường đắt nhất Việt Nam trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan. Đây là ví dụ mới nhất về sự lem nhem, thiếu tầm nhìn trong phát triển đô thị Hà Nội. Trong khi để xây dựng đoạn đường này, Hà Nội phải giải phóng mặt bằng 5 cơ quan và 450 hộ dân với tổng mức đền bù là 527 tỷ đồng.

 

Chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội tồn tại dai dẳng nhiều năm nay, sau bao nỗ lực của các cơ quan chức năng, nó vẫn “vô tư” mọc trên phố mới như sự thách thức. Trên phố Hào Nam đoạn mới mở giao với phố Cát Linh, quận Đống Đa, những ngôi nhà siêu mỏng chen nhau mọc. Tuyến đường vành đai III đoạn nút giao thông Trung Hòa - Linh Đàm mặc dù chưa hoàn thiện nhưng đã xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, hình dáng kỳ quái… Đoạn đường Khuất Duy Tiến - phần đang hoàn thiện thuộc dự án đường vành đai III - chỉ dài vài trăm mét nhưng đã xuất hiện tới hơn chục ngôi nhà kiến trúc dị thường, nhiều ngôi nhà chiều ngang chưa đầy 2 m. Xuôi theo hướng Nhổn trên tuyến đường 32, xuất hiện không ít ngôi nhà có diện tích chưa đến 10 m2 chen chân nhau. Tại khu Xuân Đỉnh (Từ Liêm) sau quy hoạch những dự án chung cư, khu đô thị, những ngôi nhà siêu mỏng cũng đua nhau “tái xuất”. Nhiều ngôi nhà chỉ vài m2 nhưng được xây chênh vênh lên đến 5 - 6 tầng.


Bài toán “gỡ” nhà siêu méo, siêu mỏng đã trở thành chuyện “nóng” suốt nhiều năm qua với các cấp chính quyền thành phố; từng nhiều lần được đưa ra chất vấn ở HĐND thành phố, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể chấm dứt. Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các sở ngành, quận, huyện trong công tác xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Bằng chứng rõ nhất là thành phố đã xử lý được 389 trường hợp (trên tổng số 597 nhà siêu mỏng, siêu méo được thống kê). Tuy nhiên, “nợ cũ” chưa gỡ xong, thì lại tái xuất những ngôi nhà dị dạng ở những dự án mở đường mới. Nguyên nhân là do khi mở đường, thành phố đã không kiên quyết thu hồi hết các thửa đất nhỏ, lẻ không đủ tiêu chuẩn để cấp phép xây dựng hai bên đường. Trong khi đó, phần lớn những hộ dân có phần đất nhỏ lẻ này chỉ nhận được tiền đền bù cho phần đất đã bị giải phóng mặt bằng mà không được tái định cư. Không có chỗ ở, bắt buộc họ phải tìm cách “lách”, tìm cách xây dựng chắp vá trên phần đất còn lại để có nơi ăn, chốn ở, hoặc kinh doanh.


Có thể nói, cùng với thách thức trong việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Hàng loạt nhà cao tầng được xây dựng với mật độ dày đặc, nhấp nhô nhất là tại các khu đất vàng ở trung tâm thành phố. Tình trạng sử dụng đất bừa bãi không tuân theo quy hoạch và quy định của pháp luật hiện chiếm tỷ lệ đáng kể, nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn...


Một chuyên gia về kiến trúc khi nói về công tác quản lý quy hoạch, xây dựng ở Hà Nội, đã nhận xét rằng, công tác quy hoạch của Thủ đô vẫn thiếu tầm nhìn chiến lược, chủ yếu vẫn làm theo kiểu giải pháp tình thế, quản lý lỏng lẻo; nói cách khác là... "rách đâu vá đấy". Tình trạng trên dẫn đến Hà Nội đang mất dần chức năng kiểm soát quy hoạch đô thị.


Để giải bài toán này, Hà Nội cần học hỏi kinh nghiệm các nước để tìm ra những giải pháp sáng tạo và đổi mới trong quản lý đô thị. Trong đó, vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo của bộ máy chính quyền là yếu tố then chốt. Nếu không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quy hoạch, thì cho dù có cố gắng đầu tư đến đâu, bộ mặt đô thị của Thủ đô sẽ vẫn "méo mó", lộn xộn.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN