Là một phong trào được toàn cầu hưởng ứng, Giờ Trái Đất có mục tiêu thu hút tất cả mọi người tham gia bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ nhưng dồn lại sẽ có ý nghĩa lớn. Kể từ năm 2007 khi được phát động tại Australia tới nay, Giờ Trái Đất đã trải qua 12 năm và trở thành một phong trào quen thuộc. Trong khung giờ từ 20h30 đến 21h30 vào một ngày cuối tháng 3, các cá nhân, tổ chức, cộng đồng thế giới lại cùng nhau tắt đèn và những thiết bị điện không cần thiết trong một giờ và hy vọng hành động tập thể này có thể giảm lượng khí thải carbon – thủ phạm làm tăng nhiệt độ toàn cầu.
Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khởi xướng phong trào này nhằm nâng cao ý thức con người về bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy sự bền vững, hỗ trợ các chiến lược có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Mối liên hệ của con người với Trái Đất và tự nhiên là không thể chối cãi. Thiên nhiên cho chúng ta mọi thứ cơ bản cần có để sinh tồn: không khí để thở, nước để uống, vật liệu để xây nhà… Khí hậu biến đổi đang khiến nhu cầu cơ bản của con người lâm nguy, đe dọa sự sống trên hành tinh.
Năm 2018, hơn 7.000 thành phố và thị trấn khắp 188 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia Giờ Trái Đất. Đó là giờ phút hiếm hoi hàng năm khi mà cả tỷ người đều có cùng một mục tiêu, một suy nghĩ, một hành động hướng về hành tinh xanh.
Thế nhưng, các nhà tổ chức thừa nhận một giờ tắt đèn chỉ có ảnh hưởng nhỏ tới khí thải carbon, nhưng khẳng định Giờ Trái Đất là một sự kiện có ý nghĩa biểu tượng. Đúng như vậy.
WWF không kêu gọi mọi người chỉ đơn thuần là tắt vài bóng đèn điện mà kêu gọi chúng ta giảm thực sự lượng khí thải carbon trong cuộc sống hàng ngày.
Trong khi đó, chúng ta tắt đèn một giờ nhưng lại thắp lên vô vàn ngọn nến – hành vi bị cho là còn gây hại cho môi trường hơn.
Chúng ta hưởng ứng Giờ Trái Đất bằng những hoạt động vui vẻ: ngắm sao trời, tiệc tùng trên bãi biển trong ánh đuốc, thưởng thức những bữa ăn nhà hàng trong ánh nến, nghe một buổi hòa nhạc, cùng nhau hô khẩu hiệu…
Nếu là như vậy, những hoạt động trong Giờ Trái Đất mà con người tổ chức khiến cho việc từ bỏ sử dụng năng lượng trông giống như một bữa tiệc lớn, khiến cho người ta nghĩ rằng cắt giảm nhiên liệu hóa thạch thật dễ dàng và vui vẻ.
Thế nhưng, sau một giờ đó, có bao nhiêu người tham gia những bữa tiệc kia thực sự thay đổi hành vi để nghĩ cho Trái Đất? Chúng ta vẫn sống và tận hưởng sự nhàn nhã, tiện nghi mà những thiết bị hiện đại nhưng “hại điện” mang lại. Chúng ta tiến tục sử dụng năng lượng vô tư, vẫn lái ô tô, vẫn dùng điều hòa, vẫn bật máy tính, vẫn sắm những thiết bị “hại điện”. Khi đó, Giờ Trái Đất không còn tồn tại trong tâm trí.
Muốn cứu Trái Đất, con người phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ tiện ích. Chỉ cần thấy các lãnh đạo thế giới tranh cãi ra sao, khó khăn thế nào khi tìm cách đạt được một thỏa thuận về cắt giảm khí CO2 tại các hội nghị về khí hậu là đủ thấy cán cân nghiêng về cái gì: bảo vệ Trái Đất hay lợi ích.
Việt Nam ta tham gia Giờ Trái Đất từ năm 2009, thể hiện trách nhiệm và sự đóng góp chung trong bảo vệ hành tinh. Giờ Trái Đất diễn ra ngày 30/3 năm nay được 63 tỉnh thành hưởng ứng với nhiều hoạt động.
Sau mỗi Giờ Trái Đất hàng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thường công bố con số về lượng điện được tiết kiệm trong một giờ đó và quy ra tiền. Như năm 2018, Việt Nam giảm tiêu thụ 485.000 kWh điện, tức 834 triệu đồng.
Con số này cũng không phải là lớn, nhất là khi số tiền bỏ ra để in khẩu hiệu treo khắp đường phố, để tổ chức sự kiện, hoạt động kiểu như mời ca sĩ, người nổi tiếng tham gia hay tuyên truyền về Giờ Trái Đất cũng không nhỏ.
Có ý kiến cho rằng thay vì nhấn mạnh vào con số, ta nên chú trọng tới thay đổi ý thức, hành vi của con người trong tiết kiệm điện nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.
Thay vì Giờ Trái Đất, các nhà tổ chức nên chăng tuyên truyền thông điệp Ngày Trái Đất, Tháng Trái Đất, Năm Trái Đất… để ý thức về bảo vệ môi trường được nối dài và thường trực trong mỗi người.
Các thông điệp không chỉ hô hào chúng ta tắt bóng đèn – khi mà cả triệu người trên thế giới thậm chí phải sống trong cảnh không có bóng đèn để mà tắt. Thay vào đó, hãy kêu gọi mọi người làm mọi hành động hàng ngày một cách xanh nhất, sạch nhất, thân thiện nhất với môi trường. Ví dụ như bớt sử dụng túi ni lông, tiết kiệm nước, bớt dùng xe cá nhân, giảm ăn thịt…
Tuyên truyền hàng ngày theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” hoặc tăng cường giáo dục về môi trường trong nhà trường sẽ có tác dụng lâu dài, thiết thực hơn là chỉ hô hào rầm rộ mỗi khi tới tháng 3 hàng năm. Giờ Trái Đất nên được coi là điểm nhấn trong hoạt động tuyên truyền “mưa dầm” đó.
Có như vậy, ý thức bảo vệ môi trường của chúng ta mới không “chết yểu” chỉ sau một giờ. Có như vậy, việc bảo vệ môi trường mới trở thành việc hàng ngày chứ không phải là hoạt động bề nổi trong một giờ.