Giảm tải bệnh viện

Vấn đề quá tải bệnh viện luôn được nhắc đến như một sự nhức nhối, nó tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay và đang trở thành một thách thức lớn đối với toàn xã hội. Tình cảnh người bệnh phải "ngồi viện" (chứ không phải nằm viện), cảnh "gầm giường, chiếu đất"... mà bệnh nhân đang phải đối mặt ở các bệnh viện tuyến Trung ương chưa biết đến khi nào mới chấm dứt. Dù ngành Y tế đã có rất nhiều biện pháp, song quá tải bệnh viện dường như vẫn là căn bệnh trầm kha và đây chính là căn nguyên nảy sinh các tiêu cực trong khám chữa bệnh.


Tình trạng quá tải ở các bệnh viện kéo theo biết bao hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng điều trị cho người bệnh…, mà còn tác động tiêu cực tới tinh thần, thái độ phục vụ của các y bác sĩ. Ai cũng hiểu, các y bác sĩ chịu nhiều áp lực khi hằng ngày phải tiếp xúc với số lượng bệnh nhân khổng lồ, do vậy các tiêu cực liên quan đến y đức cũng dễ nảy sinh, công bằng y tế khó đạt được. Không ít thầy thuốc thiếu lương tâm, đã lợi dụng sự quá tải để gây thêm sự nhọc nhằn cho bệnh nhân, như gợi ý bệnh nhân phải đưa phong bì, giới thiệu bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế tư nhân mà các y bác sĩ này tham gia...


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự quá tải ở bệnh viện, mà theo đánh giá của Bộ Y tế, những bất hợp lý khi thực hiện một số chính sách như xã hội hóa y tế, tự chủ y tế, phân bổ ngân sách, bảo hiểm y tế… đã góp phần tạo ra quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Bên cạnh đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tăng về cả số lượng và chất lượng, tâm lý lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh, nhiều dịch bệnh mới xuất hiện, trong khi số giường bệnh tăng chậm…, dẫn đến quá tải bệnh viện.


Bên cạnh đó, hệ thống y tế trong thời gian qua có nhiều thay đổi, biến động, nhất là đối với các bệnh viện tuyến huyện. Nhân lực y tế ở tuyến này vừa thiếu, vừa hạn chế về chuyên môn, không đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến.


Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành y tế khi giải quyết nạn quá tải ở bệnh viện, như đầu tư thêm cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng bệnh viện vệ tinh, tăng số lượng giường bệnh, cải tiến quy trình khám chữa bệnh; điều động y bác sĩ có chuyên môn cao khám bệnh định kỳ ở các địa bàn khó khăn...


Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ riêng năm 2012, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa vào sử dụng thêm 100 giường bệnh (sắp tới sẽ đưa thêm 100 giường bệnh nữa vào hoạt động), Bệnh viện K thêm 300 giường, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam thêm 500 giường… Tuy vậy, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể.


Theo một số chuyên gia y tế, để giảm tải bệnh viện, trước hết cần loại bỏ các thủ tục rườm rà trong khám và điều trị bệnh. Mặt khác, cần đầu tư tăng số giường bệnh và nhân lực cho bệnh viện tuyến tỉnh để bệnh nhân yên tâm điều trị ngay tại địa phương, hạn chế tình trạng vượt tuyến. Bên cạnh đó cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác khám chữa bệnh…


Nguyên nhân của căn bệnh quá tải bệnh viện đã được xác định, nhưng để điều trị dứt điểm nó thì không thể một sớm một chiều. Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu cơ bản không để người bệnh phải nằm ghép vào năm 2015 và đến 2020 không còn quá tải bệnh viện. Hy vọng, đây sẽ là đòn bẩy, là bước ngoặt quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.



Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN