Giải tỏa nỗi lo ASIAD!

Vấn đề đăng cai ASIAD 18 trở thành chủ đề nóng trong những ngày gần đây khi có rất nhiều ý kiến từ các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, những người tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước... bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề này. Phần nhiều trong số đó bày tỏ lo ngại Việt Nam chưa có kinh nghiệm cũng như nguồn lực tài chính để tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD; sự lãng phí các công trình thể thao khi ASIAD 18 kết thúc... 


Từ những thông tin, luận cứ được phân tích thấu đáo, dư luận cũng không lấy làm bất ngờ khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra kết luận cuối cùng, cũng là kết luận hợp lòng dân: Giao Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND TP Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai tổ chức ASIAD 18; đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.


Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có những bài học khá đắt giá trong việc sử dụng các công trình thể thao sau hai sự kiện lớn: SEA Games 22 (năm 2003) và Đại hội thể thao trong nhà châu Á (AIG) lần thứ 3 (năm 2009). Hàng loạt công trình với kinh phí đầu tư lớn, đã không phát huy được hiệu quả, nhanh chóng xuống cấp và bị sử dụng sai mục đích. Rõ nhất là Cung Điền kinh trong nhà (Hà Nội) phục vụ AIG 3 (kinh phí đầu tư 540 tỷ đồng). Sau giải đấu ấy, cung điền kinh này gần như không còn được phục vụ các cuộc tranh tài điền kinh, bởi đơn giản là người Việt Nam không có thói quen thi đấu điền kinh trong nhà và chúng ta cũng không có các giải điền kinh trong nhà như các nước phát triển. Chính vì vậy, Cung Điền kinh trong nhà buộc phải thay đổi công năng sử dụng để tạo nguồn kinh phí bảo dưỡng công trình.


Còn sau SEA Games 22, hai trong số nhiều công trình quan trọng phục vụ đại hội là SVĐ Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) và Nhà thi đấu Phú Thọ (TP Hồ Chí Minh) rơi vào cảnh hoang phế. Sau SEA Games, sân Mỹ Đình thường chỉ sáng đèn mỗi khi đội tuyển quốc gia thi đấu. Một số hạng mục của công trình được cho thuê mở quán cafe, hàng ăn, salon ô tô, rạp chiếu phim, dịch vụ massage, sân tập golf... Còn Nhà thi đấu Phú Thọ, thì ngoài một số trận đấu futsal quốc tế, một vài giải võ, thể hình ở cấp châu lục, còn chủ yếu dành để tổ chức… hội chợ.


Trở lại vấn đề đăng cai ASIAD 18, một trong số công trình khác được nhắc đến nhiều là sân đua xe đạp lòng chảo. Như lo ngại của nhiều người, không những gây tốn kém kinh phí đầu tư, mà chắc chắn sau ASIAD18, công trình này sẽ rơi vào “vết xe đổ” lãng phí. Đó là chưa kể nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bóng chày, sân hockey trên cỏ, khu đua ngựa...? Oái oăm ở chỗ, đua xe lòng chảo là môn bắt buộc phải có của ASIAD. Ai cũng hiểu, ở nước ta, môn xe đạp lòng chảo không phải là môn thể thao phổ biến và rất ít người tham gia tập luyện. Vậy nên, công trình này sẽ dùng vào mục đích gì sau ASIAD thì không ai dám chắc?


Việc các công trình sau đại hội lớn phải “đắp chiếu” không chỉ xảy ra ở nước ta, mà rất nhiều quốc gia cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự. Vài tháng sau khi tổ chức Olympic mùa đông, hàng loạt công trình thể thao ở thành phố Sochi (Nga) rơi vào sự im ắng đáng sợ. Trung Quốc từng đầu tư 18 tỷ USD xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ Olympic Bắc Kinh 2008, nhưng giờ rất nhiều công trình không có người sử dụng. Còn với Olympic Athens 2004, Hy Lạp cũng rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng khi phải dốc hầu bao cho 22 công trình phục vụ đại hội, nhưng có tới 21 công trình phải chuyển đổi công năng hoặc bỏ phí.


Vẫn biết, việc tổ chức ASIAD là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó chỉ phát huy giá trị khi chúng ta có sự chuẩn bị thật tốt về lực lượng vận động viên, về cơ sở vật chất và cách tổ chức xứng tầm. Quan điểm của rất nhiều người là Việt Nam trước sau cũng sẽ đăng cai ASIAD, bởi đó là trách nhiệm của một quốc gia tham gia sân chơi thể thao châu lục. Tuy nhiên, chúng ta không thể “gồng mình” một cách quá sức và đăng cai với bất cứ giá nào. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, ngân sách nhà nước vẫn cần ưu tiên cho những công trình thiết yếu..., thì những lo ngại về việc đăng cai một đại hội thể thao ở tầm châu lục, cũng là dễ hiểu.


Vấn đề đặt ra đối với thể thao Việt Nam lúc này là không chỉ đầu tư cho thể thao thành tích cao, mà rất cần một chiến lược bài bản để phát triển thể thao quần chúng, nhằm nâng cao sức khỏe toàn dân. Có thực tế không thể phủ nhận, trong vài năm trở lại đây, ở các thành phố, đô thị lớn, tình trạng thiếu sân chơi, cơ sở tập luyện thể thao quần chúng, đặc biệt là sân chơi thể thao cho trẻ em còn khá phổ biến; cơ sở hạ tầng phục vụ thể thao quần chúng chưa được quan tâm đúng mức. Rất nhiều chung cư, khách sạn, sân golf được xây dựng, nhưng trẻ em, người già phải tập thể thao, chơi bóng ở vỉa hè, lòng đường; vừa nguy hiểm cho tính mạng, vừa gây mất trật tự an toàn giao thông.


Có lẽ, đó cũng là lý do khiến dư luận đồng tình, ủng hộ kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

 

Yến Nhi

Thủ tướng quyết định xin rút đăng cai ASIAD 18
Thủ tướng quyết định xin rút đăng cai ASIAD 18

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN