Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ hai phương án thay đổi giờ làm, giờ học ở Thủ đô với hy vọng giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực nội đô tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay. Theo đó, công chức cơ quan trung ương sẽ làm ca sáng từ 9h đến 12 giờ; ca chiều từ 13 giờ đến 18 giờ. Công chức Hà Nội sẽ làm ca sáng từ 8 giờ 30 đến 12 giờ; ca chiều từ 13 giờ đến 17 giờ 30. Đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS sẽ học bán trú từ 8 giờ đến 17 giờ 30. Học sinh THPT sẽ học ca sáng từ 7 giờ đến 11 giờ; ca chiều từ 12 giờ 30 đến16h30.
Các trung tâm kinh doanh, thương mại sẽ mở cửa từ 9 giờ 30 đến 23 giờ 30. Với khối sinh viên, giờ học sẽ phân chia cụ thể theo địa bàn quận.
Trước đó, Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thay đổi giờ làm, giờ học. Dẫu còn ý kiến khác nhau, nhưng phần lớn đều thống nhất cần phải điều chỉnh.
Việc điều chỉnh giờ làm, giờ học không phải là vấn đề mới. Hà Nội đã đề cập cách đây nhiều năm nhưng chưa hội tụ đủ các điều kiện để thực hiện. Ai cũng hiểu, đây chỉ là một trong những giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc, chứ chưa thể giải quyết căn bản tình hình. Bởi ùn tắc giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Phương tiện cá nhân tăng nhanh trong khi đường sá thì quá chật hẹp, phân luồng giao thông chưa hợp lý, hệ thống phương tiện giao thông công cộng yếu kém, quỹ đất dành cho giao thông ít, đặc biệt ý thức người tham gia giao thông chưa cao…
Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã thử nghiệm nhiều, cố gắng nhiều khi đưa ra các giải pháp nhằm giảm ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm, nhưng hiệu quả không được như mong muốn. Giao thông Hà Nội vẫn rối như mớ bòng bong, giải quyết được chỗ này thì nó phình chỗ khác, rồi cuối cùng tắc vẫn hoàn tắc. Thực ra, mật độ người và mật độ phương tiện giao thông của Hà Nội so với một số thành phố lớn khác của Thái Lan, Xinhgapo, Hồng Công (Trung Quốc)… thì chưa thấm tháp gì. Nhưng ta khác họ là hạ tầng giao thông kém, người tham gia giao thông thì coi thường luật...
Việc điều chỉnh giờ làm, giờ học hy vọng sẽ là bước đột phá để phần nào giải bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội cũng như một số đô thị lớn ở nước ta… Tuy nhiên không thể xem đây là phương thuốc đặc hiệu chữa được “căn bệnh” ùn tắc; mà phải có sự phối hợp đồng bộ, gắn kết với nhiều giải pháp khác. Đó là từng bước nâng cao chất lượng, tăng cường năng lực hạ tầng giao thông (Hà Nội hiện có 440.000 ô tô và 4,5 triệu xe máy, trong khi diện tích đất dành cho giao thông chỉ chiếm 8%).
Tiếp đến là những biện pháp về điều tiết hợp lý giữa phương tiện giao thông công cộng và phương tiện cá nhân, tăng vai trò chủ đạo của xe buýt và hướng tới có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm... Một trong những giải pháp cũng quan trọng không kém là cần có chế tài đủ mạnh để cưỡng chế, buộc người tham gia giao thông phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ, cụ thể là nâng mức phạt tương xứng với hậu quả do người vi phạm gây ra. Bên cạnh đó phải thực sự quyết liệt dẹp bỏ các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, trả lại vỉa hè cho người đi bộ; xử lý nghiêm các đơn vị thi công công trình giao thông chậm tiến độ, dẫn đến những “lô cốt” chình ình ở lòng đường, hè đường nhiều tháng, nhiều năm. Ngoài ra, các biện pháp như phân làn đường, nghiên cứu thu phí vào trung tâm trong giờ cao điểm, hay hạn chế phương tiện cá nhân cũng là những giải pháp hợp lý.
Chỉ có như vậy, nút thắt ùn tắc giao thông nội đô Hà Nội mới hy vọng được tháo gỡ.
Yến Nhi