Tại SEA Games 28 đang diễn ra ở Singapore, sáu trong bảy chiếc HCV mà thể thao Việt Nam giành được ngày 9/6 từ các môn thể thao cơ bản (hệ thống thi đấu Olympic), không chỉ làm nức lòng người hâm mộ, mà còn minh chứng cho hướng đi đúng của thể thao nước nhà. Đó là màn dạo đầu không thể ấn tượng hơn của các kình ngư trên đường đua xanh, khi Ánh Viên rồi Quý Phước giành 3 HCV, phá 4 kỷ lục đại hội. “Nữ hoàng” điền kinh Nguyễn Thị Thanh Phúc giành HCV nội dung đi bộ 20 km nữ. Đội thể dục dụng cụ vượt qua hàng loạt kình địch để lên ngôi số 1… Bỏ qua chuyện “màu cờ sắc áo”, rõ ràng, thể thao Việt Nam đang gặt hái quả ngọt từ sự đầu tư đúng hướng.
Nhìn nhận lại, đã một thời gian dài, chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam là nằm trong top 3 SEA Games, không có hoạch định cụ thể cho đấu trường châu lục (ASIAD) và đấu trường thế giới (Olympic). Liên tục có mặt top 3, làm mưa làm gió tại SEA Games, nhưng mỗi khi ra sân chơi lớn, các vận động viên Việt Nam thường đuối sức.
Có lẽ, cái mốc quan trọng của sự chuyển hướng là ASIAD 17 ở Incheon (Hàn Quốc) khi lần đầu tiên hai phần ba số huy chương của thể thao Việt Nam đều ở các môn Olympic. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử dự ASIAD, Việt Nam có huy chương ở các môn bơi lội, đua thuyền, bơi lội, đấu kiếm, boxing, thể dục dụng cụ - vốn nằm trong môn thi đấu chính thức ở thế vận hội. Thành công của nữ kình ngư Ánh Viên hay vận động viên cử tạ Thạch Kim Tuấn chính là cú hích lịch sử để thể thao Việt Nam hướng đến đấu trường Olympic.
Có chuyên gia thể thao lạc quan rằng, cú đúp Huy chương đồng của Nguyễn Thị Ánh Viên ở môn bơi lội tại ASIAD 17 “có giá trị không khác những tấm Huy chương vàng”. Rõ ràng, thành tích của thể thao Việt Nam tại ASIAD 17 đã tạo sự thay đổi căn bản trong quan điểm đầu tư và định hướng phát triển cho thể thao nước nhà. Tức là, không còn đặt nặng "bệnh thành tích", tạo áp lực bằng mọi giá phải giành huy chương. Thay vào đó là sự quan tâm đến thành tích của các vận động viên ở những môn cơ bản của các kỳ đại hội thể thao lớn nhất thế giới và châu lục, như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, bắn cung, bắn súng, đua thuyền...
Có thể thấy hiệu quả bước đầu từ sự chuyển hướng đầu tư (với kinh phí ngân sách và xã hội hóa), qua trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi (bơi lội), Phan Thị Hà Thanh, Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ) và thành tích của một số vận động viên đua thuyền, đấu kiếm, điền kinh, quần vợt, bóng đá…Nhắc chuyện cũ để thấy việc đưa Ánh Viên, Quý Phước sang tập huấn ở Mỹ, Nhật Bản, đội kiếm “tầm sư học đạo” tại Hàn Quốc; còn các vận động viên thể dục dụng cụ quanh năm dự các giải đấu quốc tế... chính là những tiền đề cơ bản để thể thao có được niềm vui hôm nay.
Tuy vậy, cần phải nhìn nhận rõ, những thành tích vừa nêu chỉ là sự khởi đầu, đồng thời cũng chỉ là sự tiến bộ so với chính chúng ta; vẫn còn kém xa so với một số nước trong khu vực. Đơn cử như ở ASIAD 17, Thái Lan vẫn cho thấy họ có nền thể thao phát triển và chất lượng nhất Đông Nam Á, với những môn mũi nhọn như bowling, đua xe đạp, boxing, golf, đua thuyền, cầu mây, tennis, taekwondo. Họ đứng thứ 6 ở ASIAD 17 với 12 HCV (7 HCB bạc, 28 HCĐ). Còn Malaysia đứng thứ 14 với 5 HCV, 14 HCB, 14 HCĐ. Singapore với thế mạnh ba môn bơi lội, đua thuyền, bowling, họ đứng vị trí 15 ASIAD 17, khi giành được 5 HCV, 6 HCB, 13 HCĐ.
Do vậy, không còn con đường nào khác là thể thao Việt Nam cần kiên trì mục tiêu tiến ra "biển lớn" và một chiến lược bài bản thì mới hy vọng gặt hái thành công tại sân chơi châu lục và thế giới. Muốn vậy, cần sự hoạch định rõ ràng hơn trong công tác đào tạo vận động viên và dài hơi là đầu tư nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt, phát triển thể thao học đường...