Cách đây chưa lâu, ngành Giao thông Vận tải Hà Nội thực hiện phân làn chia tách ôtô, xe máy đi theo đường riêng trên một số tuyến phố với hy vọng ý thức tham gia giao thông của người Hà Nội sẽ được cải thiện, ngăn ngừa nguy cơ lấn làn, gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện, việc tách làn bằng dải phân cách cứng đã vấp phải luồng dư luận khác nhau. Có ý kiến đánh giá, đây là một giải pháp cần thiết nhằm tạo dựng ý thức cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cũng có luồng dư luận, dù rất tốn kém, nhưng dường như những dải phân cách cứng không phát huy được tác dụng như mong muốn. Không những thế, việc tổ chức phân luồng, tín hiệu đèn giao thông ở một số điểm giao cắt không hợp lý..., dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
Thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn, những dải phân cách này thường bị người tham gia giao thông đâm phải, gây hư hỏng và lại mất thêm một khoản kinh phí để sửa chữa. Không những thế, nó chẳng khác những chướng ngại vật trên đường, hết sức nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện đâm vào dải phân cách, gây bức xúc trong dư luận. Tại một số kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, nhiều cử tri đã kiến nghị, cần thay thế dải phân cách cứng bằng vạch sơn phản quang, vừa tạo mỹ quan đô thị, đồng thời giảm bớt sự nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trước luồng dư luận, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, không có chuyện lãng phí khi tháo dỡ dải phân cách, vì nó tiếp tục được sử dụng để tổ chức phân làn ở một số tuyến phố khác. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, lý do tháo dỡ các dải phân cách vừa nêu là ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã cải thiện đáng kể. Trên những tuyến phố triển khai phân làn, tình trạng lấn làn tuy còn nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, trái với nhận định của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các dải phân làn cứng sau khi được phá bỏ, tình trạng đi sai làn, lấn làn không những không được cải thiện, mà còn nghiêm trọng hơn, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Vẫn biết, mục tiêu phân làn, tổ chức lại giao thông nhằm giảm ùn tắc và cải thiện mỹ quan đô thị. Nhưng với cung cách quản lý và cách làm như hiện nay, thì không những tình trạng ùn tắc không được cải thiện, mà còn gây lãng phí lớn.
Việc tháo gỡ dải phân cách cứng cũng như việc nhiều con lươn, con trạch được dựng trên một số tuyến phố Thủ đô những năm trước..., đã cho thấy tầm nhìn trong quy hoạch giao thông cũng như các giải pháp chống ùn tắc giao thông của Hà Nội rất thiếu chuyên nghiệp, manh mún có phần cảm tính và bất hợp lý. Hệ quả, là khoản vốn không nhỏ (trong đó có cả vốn vay) đã bị sử dụng một cách lãng phí. Đã một thời, hàng loạt tuyến phố ở Thủ đô đang rộng rãi khang trang, bỗng bị chia nhỏ bằng những con lươn, con trạch, thậm chí cả những bồn hoa... Sự “vung tay quá trán”, “thừa giấy vẽ voi”, sử dụng tiền vay không đúng mục đích của những người làm giao thông ở Thủ đô thời điểm đó đã bị dư luận phê phán mạnh mẽ. Có lẽ, bài học quý báu cho những người làm giao thông ở Thủ đô, đó là cần tham khảo ý kiến người dân và chính quyền nơi có các tuyến phố dựng dải phân cách và hơn hết, đó chính là ý thức tuân thủ pháp luật của tham gia giao thông.
Để tạo diện mạo mới cho giao thông đô thị Thủ đô với các tiêu chí bền vững, đồng bộ, hiện đại theo Quy hoạch Giao thông Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rất cần sự tính toán khoa học và tinh thần trách nhiệm cao của những người trong cuộc.