Vừa qua, Hà Nội và một số ngành, địa phương đã thông qua kế hoạch bốc thăm ngẫu nhiên để lựa chọn cán bộ được thanh tra, xác minh tài sản, thu nhập. Tuy nhiên kế hoạch này đã dẫn đến một số băn khoăn trong dư luận về sự “may, rủi”, hoặc “bỏ sót” những người thực sự cần minh bạch tài sản, đặc biệt là những người đứng đầu, cán bộ tại các đơn vị, bộ phận có công việc “nhạy cảm” với tiêu cực.
Việc kiểm soát tài sản và thu nhập của cán bộ, đảng viên từ lâu đã được Đảng, Chính phủ ta coi trọng. Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 78 về minh bạch tài sản, thu nhập. Ở thời điểm ấy, sự ra đời của Nghị định được xem là một bước tiến, được dư luận rất kỳ vọng, đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, sau gần 8 năm, việc triển khai thực hiện Nghị định 78 còn nhiều bất cập, hiệu quả phát hiện phòng ngừa còn thấp. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào cơ quan chức năng khởi tố vụ án và điều tra thì tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên vi phạm mới được phát hiện, làm rõ. Nhiều trường hợp vi phạm đã khiến dư luận kinh ngạc với quy mô khổng lồ của khối tài sản, chúng khiến những bản kê khai trở thành vô nghĩa.
Để có công cụ mạnh mẽ hơn trong phòng, chống tham nhũng, năm 2018, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, và năm 2020 Chính phủ ban hành Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định này không dừng lại ở quy định kê khai tài sản mà còn yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập ở tối thiểu 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền, và thông qua lựa chọn ngẫu nhiên để xác minh ít nhất 10% số người có nghĩa vụ kê khai tài sản tại mỗi cơ quan, đơn vị, trong đó có ít nhất một người là người đứng đầu hoặc cấp phó.
Vì thế, việc các địa phương, các ngành thông báo kế hoạch bốc thăm người được xác minh tài sản, thu nhập thực chất là một công việc thường xuyên theo quy định của pháp luật.
“Bốc thăm” ở đây cần hiểu là một giải pháp trong bối cảnh thực tế chúng ta không đủ điều kiện về nhân lực và thời gian để xác minh được tài sản, thu nhập hàng năm của toàn bộ những người thuộc diện kê khai. Theo quy định thì người thuộc diện kê khai tài sản là khá lớn. Năm 2022, theo báo cáo của Chính phủ, có trên 542.000 người thực hiện kê khai, nhưng chỉ có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, và kết quả chỉ xác định 74 trường hợp kê khai chưa đúng quy định.
Có thể coi việc bốc thăm xác minh tài sản hiện nay cũng giống như chọn mẫu, nếu chọn mẫu tốt sẽ phản ánh sát thực tế hơn. Việc bốc thăm có thể chưa giải quyết được triệt để vấn đề xác minh tài sản, nhưng có thể tìm ra được thực chất của câu chuyện kê khai tài sản, xác định cán bộ khai có đúng, có trung thực hay không.
Dù vậy, những băn khoăn mà dư luận đặt ra không phải là không có lý. Việc bốc thăm với tỉ lệ 10% dẫn đến nguy cơ bỏ sót những trường hợp vi phạm tiềm tàng. Và nếu quy trình bốc thăm bị can thiệp, thì nguy cơ lá thăm “tình cờ” chỉ rơi vào nhân viên, “né” lãnh đạo là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chính vì thế, câu chuyện ở đây là phải đảm bảo cơ chế minh bạch trong xác định những cơ quan, đơn vị thuộc diện xác minh, cũng như minh bạch trong lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập. Với những cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên để lựa chọn, cần đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định trong số 10% được chọn phải có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu. Công tác “lấy mẫu” cũng cần được chia nhóm để việc chọn mẫu mang tính đại diện cao, chứ không chỉ dồn vào những bộ phận, đơn vị “vô thưởng vô phạt”.
Để đảm bảo công tác xác minh tài sản, thu nhập được tiến hành hiệu quả, phát huy cao nhất hiệu quả phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, nên chăng cần thu hẹp đối tượng tiến hành xác minh, và tập trung cao hơn vào những lĩnh vực, bộ phận mà công việc có tính chất “nhạy cảm” dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, chẳng hạn như thuế, kiểm toán, hải quan, tài nguyên môi trường… Hoạt động xác minh tài sản, thu nhập cũng cần phải trở thành bắt buộc đối với những người ứng cử vào các cơ quan quyền lực Nhà nước như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Tòa án, Viện Kiểm sát; người được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, chức vụ quan trọng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức…
Ngoài ra, song song với việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức một cách ngẫu nhiên, cần xây dựng cơ chế để tiến tới kiểm soát tài sản, thu nhập nói chung của tất cả cán bộ, công chức lẫn người thân của họ. Do hoạt động kiểm soát mở rộng này ở nước ta còn yếu, dẫn đến cán bộ, quan chức để người nhà đứng tên các tài sản lớn, và chỉ khi cơ quan điều tra vụ án vào cuộc thì mới phát hiện các tài sản liên quan.
Hàng loạt vụ án tham nhũng khi được phanh phui đều đi kèm với những khối tài sản bất minh quá lớn mà cán bộ vi phạm và người thân của họ sở hữu, gây nhức nhối trong dư luận. Việc xác minh tài sản, thu nhập hằng năm là một biện pháp phòng ngừa quan trọng, góp phần phát hiện sớm những dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, đồng thời là tiếng còi cảnh báo sớm để các cán bộ, công bộc của dân biết giữ mình, dừng lại trước những cám dỗ vật chất.