Không đơn thuần là cắt xén chi tiêu một cách cơ học
Ngày 17/3/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra rời kêu gọi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm. Sau đó Bác có bài nói chuyện "Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu".
Theo quan điểm "tiết kiệm là quốc sách hàng đầu" của Bác, tiết kiệm "không phải là bủn xỉn, không phải là xem đồng tiền to bằng cái nống (nong)", "gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu". Tiết kiệm cũng không có nghĩa là nhịn ăn, nhịn mặc, mà trái lại, "tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia, sản xuất mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân".
Bác nhắc nhở mọi người phải "tiết kiệm thì giờ", "tiết kiệm sức lao động" và "tiết kiệm tiền của". Dù là bộ đội ngoài mặt trận, hay người sản xuất nơi đồng ruộng, dù là chiến sĩ quân giới, vận tải hay những người làm ở cơ quan, ai ai cũng phải tiết kiệm. Tiết kiệm đạn, tiết kiệm xăng, dầu, tiết kiệm thóc, gạo, cho đến những tờ giấy. Không phải chỉ vì nước ta còn nghèo mới phải coi trọng việc tiết kiệm. Bác lấy dẫn chứng cho thấy nhiều quốc gia đã có nền kinh tế khá phát triển vẫn coi tiết kiệm là quốc sách.
Ngày 26/11/2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Luật quy định: Tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định. Đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên ở những lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định.
Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.
Ngày 23/8, tại cuộc làm việc với Bộ Tài chính của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: Bộ Tài chính thay mặt Nhà nước thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không đơn thuần như cái kéo cắt xén chi tiêu một cách cơ học. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải theo đúng tinh thần của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là thực hiện cùng một công việc được giao với chi phí ít hơn; cùng một nguồn lực như nhau nhưng tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Khía cạnh khác của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là phải tháo gỡ ách tắc, vướng mắc, phải có đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ ách tắc cả về nhân lực, vật lực, tài lực.
Tát nước thì phải be bờ
Tiết kiệm mà không chống tham ô, lãng phí thì khác nào tát nước mà không đắp bờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ví chuyện tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí với việc nhà nông: "Muốn lúa tốt cũng phải nhổ cỏ cho sạch". Muốn tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc thì phải tẩy trừ cho sạch tệ tham ô, lãng phí, quan liêu.
Tham ô là "ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ, làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình". Bác phê phán những người, những cơ quan "không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không đào sâu vấn đề, chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn". Đó là những cán bộ, những tổ chức mắc bệnh quan liêu. Bác chỉ ra rằng bệnh quan liêu là "mảnh đất tốt cho tham ô, lãng phí sinh sôi nảy nở và phát triển".
Bác nêu rõ: Tham ô, lãng phí đã kìm hãm, phá hoại sản xuất, làm chán nản và giảm sút ý chí phấn đấu của nhân dân, làm suy yếu tinh thần của cán bộ, sức mạnh của tổ chức... Đây là thứ "giặc ở trong lòng", là "giặc nội xâm", làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó khăn của cán bộ ta, nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là "cần, kiệm, liêm, chính". Tham ô, lãng phí phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao tiền bạc của Chính phủ và nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của cách mạng, của nhân dân. Nhưng muốn bài trừ nó không dễ, vì nếu là kẻ địch, đứng ở chiến tuyến bên kia thì ta có thể thấy được ngay. Còn những người mắc sai phạm tham ô, lãng phí, quan liêu thì nằm ngay trong tổ chức của ta, có khi là bạn bè, người thân, là người trong cùng cơ quan, đơn vị. Bác yêu cầu: "Chúng ta từ trên xuống dưới phải đồng tâm hiệp lực để giành thắng lợi trong phong trào này. Vì chống tham ô, lãng phí thắng lợi sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa, góp phần nâng cao ý chí, phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Về xử lý hành vi lãng phí, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Luật này, để xảy ra lãng phí thì tùy theo mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, để xảy ra hành vi lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền thì tùy theo mức độ mà sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức cấp dưới và trong cơ quan, tổ chức do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách thì tùy theo mức độ mà sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo, cho biết: Trên phạm vi cả nước, trong giai đoạn 2016-2021 tổng số tiền tiết kiệm từ kinh phí ngân sách, vốn nhà nước là 350 nghìn tỷ đồng; giảm giá trị đề nghị quyết toán 27,7 nghìn tỷ đồng qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước; giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 546 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 12,35% số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Từ năm 2015 đến năm 2020 đã tinh giản được 74.443 biên chế.
Tuy nhiên, chống lãng phí vẫn còn là cuộc chiến trường kỳ trên quy mô cả nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu một ví dụ cụ thể ở Nhật Bản – nước này có quy định: các công sở chỉ được bật điều hòa ở mức 28 độ C để tiết kiệm năng lượng, tránh lãng phí. Trong khi ở Việt Nam mọi người đến công sở là nghiễm nhiên bật điều hòa ở mức 18-20 độ C suốt cả ngày mà không có chút băn khoăn về sự ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như lãng phí nguồn lực. Những quy định cụ thể - như về mức nhiệt của máy điều hòa - tuy chỉ là một động thái nhỏ nhưng có thể mang lại hiệu quả, tác dụng rất lớn. Liệu Đoàn giám sát của Quốc hội có đề xuất được những việc tương tự ở nước ta hay không?
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý Đoàn giám sát nghiên cứu về việc phát động phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách sâu rộng trong toàn xã hội.
Chủ tịch Vương Đình Huệ nhận định: "Thất thoát do lãng phí nhiều khi không kém gì thất thoát do các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Một cuộc vận động với mục tiêu, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, gắn với đó là chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ dễ được nhân dân ủng hộ và phát huy hiệu quả".