Dự luật ân xá gây tranh cãi của Thái Lan

Cuối cùng thì Thượng viện Thái Lan cũng đã bác bỏ dự luật ân xá do đảng của nữ Thủ tướng Yingluk Shinawatra đệ trình và trước đó đã được Hạ viện thông qua. Tuy nhiên, những gì đang tiếp tục diễn ra trên chính trường Thái Lan cho thấy bà Yingluk chưa dễ dàng thoát khỏi những rắc rối do chính mình gây ra.


Việc Thượng viện hôm 11/11 bác bỏ dự luật gây tranh cãi dường như không đủ làm nguội bớt những cái đầu nóng của người biểu tình. Đến tối cùng ngày, khoảng 50.000 người đã đổ về thủ đô Bangkok và đến rạng sáng ngày hôm sau vẫn còn hàng nghìn người tiếp tục tụ tập trên đường phố để phản đối dự luật mà theo họ chỉ nhằm mục đích xóa tội cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - anh trai của bà Yingluck. Họ đe dọa gây ra tình trạng hỗn loạn trên cả nước và thề sẽ theo đuổi đến cùng chừng nào dự luật này hoàn toàn “biến mất”.


Dự luật được đảng cầm quyền Puea Thai (Vì nước Thái) đưa ra với mục đích ân xá cho các chính trị gia bị buộc tội và cả những người tham gia và gây bạo động trong các cuộc biểu tình chống chính phủ từ năm 2004 đến tháng 8 năm nay. Đương nhiên, trong số được hưởng lợi sẽ có một số chính trị gia của phe đối lập, nổi bật là cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva - lãnh tụ của Đảng dân chủ và là người đã bị khởi tố vì ra lệnh đàn áp biểu tình hồi năm 2010. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng thay vì “hòa giải dân tộc”, mục đích chính của dự luật này là nhằm “xóa trắng” tội tham nhũng cho ông Thaksin, người đã bị tuyên án 2 năm tù và đang phải sống lưu vong để tránh thi hành án. Xa hơn nữa, nó sẽ mở đường cho chính trị gia lão luyện này trở về tham gia đời sống chính trị trong nước.


Sau 2 năm cầm quyền, nữ Thủ tướng Yingluk đã có cú “lội ngược dòng ngoạn mục” khi xử lý thành công cuộc khủng hoảng trên chính trường sau trận lụt tồi tệ năm 2011 và dần lấy được lòng tin của dân chúng. Các chuyên gia nhận định, cho dù đã được tính toán rất kỹ lưỡng để có lợi cho cả hai phe, song dự luật ân xá là một nước cờ sai lầm của nữ Thủ tướng Yingluk. Bằng chứng là cả phe đối lập (gọi nôm na là “Áo vàng”) và phe ủng hộ chính phủ (hay còn gọi là “Áo đỏ”) đều tổ chức các cuộc biểu tình riêng rẽ để phản đối. Chuyên gia bình luận chính trị Thái Lan Chris Baker nhận định chính phủ của bà Yingluk tính toán rằng họ sẽ vượt qua thách thức pháp lý cũng như sự phản đối của dân chúng như đã từng xử lý các cuộc biểu tình diễn ra liên tục ở Thái Lan trong những năm gần đây.

Ngay cả khi tình huống có xấu đến mức phải tổ chức bầu cử bất thường, thì đảng Vì nước Thái vẫn có cơ giành chiến thắng xét theo tương quan chính trị hiện nay. Tuy nhiên, sau khi bà Yingluk đã “xuống nước” bằng lời hứa sẽ không tái đệ trình dự luật ân xá, thì làn sóng biểu tình vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn bị phe đối lập lợi dụng để đẩy lên cao. Nhiều người lo ngại đất nước Thái Lan, được ví là “Xứ sở của những nụ cười”, có nguy cơ rơi vào một chu kỳ bất ổn mới.

 

Thành Vinh


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN