Doanh nghiệp tiếp tay cho tham nhũng?

Phát biểu tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp trong công tác phòng chống tham nhũng” diễn ra ngày 12/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đại ý, nhận thức xã hội thường cho rằng, các doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng; doanh nghiệp phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền.

 

Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Còn một thực tế khác là có nhiều doanh nghiệp thường chủ động thực hiện hành vi hối lộ nhằm đạt được những lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh. Kết quả của cuộc điều tra “Tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp” do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện mới đây cho thấy, có ba dạng tham nhũng, hối lộ đang đeo bám doanh nghiệp. Thứ nhất là tham nhũng vặt, tức là doanh nghiệp phải chi khoản tiền hối lộ nhỏ để đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ công chức trong cơ quan công quyền (có 37% doanh nghiệp coi tham nhũng vặt là rất phổ biến; 43% coi là phổ biến và 17% cho rằng ít xảy ra).

 

Thứ hai là tham nhũng, hối lộ trong quan hệ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, có đến 68% DNTN phải chi trả hoa hồng trực tiếp hoặc thông qua trung gian để có hợp đồng với DNNN, họ phải chi bình quân 2,8%, thậm chí đến 10% tổng số tiền vay để trả cho dịch vụ môi giới hoặc tư vấn vốn vay ngân hàng. Thứ ba là tham nhũng, hối lộ trong quan hệ nội bộ doanh nghiệp. Có 68,7% ý kiến cho rằng có tình trạng ăn chia, hối lộ trong quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con; 64,7% cho rằng các cấp quản lý trong doanh nghiệp lạm dụng quyền hạn, sử dụng phương tiện, tài sản vào mục đích cá nhân.

 

Theo Thanh tra Chính phủ, những con số nêu trên dù chỉ là tham khảo, mang tính chất thăm dò. Nhưng trên thực tế, tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp đã có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội; nó làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa doanh nghiệp và các quan chức tha hóa sẽ hình thành những “nhóm lợi ích”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.


Vì thế, để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, dư luận đồng tình với phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Một mặt cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.


Phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng.



Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN