Lại thêm một tin không vui cho bóng đá Việt Nam khi CLB V.Ninh Bình tuyên bố giải tán các đội bóng thuộc tuyến trẻ U13, 15 và U19. Đây được xem là một hệ quả được báo trước khi đội 1 của V.Ninh Bình bị giải thể do nhiều cầu thủ dính líu đến tiêu cực và bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cấm thi đấu vĩnh viễn. Có nghĩa, Ninh Bình chính thức bị loại khỏi “bản đồ” bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sau 8 năm tồn tại.
Cởi bỏ chiếc áo bao cấp vốn kìm hãm sự phát triển, bóng đá Việt Nam trong vài năm trở lại đây phát triển theo hướng “xã hội hóa” với sự đầu tư của các doanh nghiệp. Sự tham gia của doanh nghiệp đã đưa bóng đá Việt Nam có bước phát triển mới cả về lượng và chất. Nhưng vào thời điểm tưởng chừng sẽ thăng hoa mạnh mẽ hơn sau hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, thì bất ngờ một vài “quả bom tấn” phát nổ, khiến bóng đá Việt Nam chao đảo và hình ảnh của bóng đá nước nhà bị méo mó hẳn đi.
Việc các doanh nghiệp chán nản, rút khỏi bóng đá không phải bây giờ mới được cảnh báo, mà nó đã được dự báo trước. Cách đây 3 năm, sau khi Tập đoàn Hoà Phát tuyên bố “ly hôn” với bóng đá, như phản ứng dây chuyền, ông Chủ tịch CLB Navibanhk Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Thọ cũng gửi công văn trả lại đội bóng cho đơn vị chủ quản là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh với lý do doanh nghiệp này gặp khó khăn về kinh tế. Tiếp đến, ông chủ của Sài Gòn Xuân Thành Nguyễn Đức Thụy cũng “tặng” luôn đội bóng cho TP Hồ Chí Minh mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.
Câu hỏi được đặt ra, có phải các doanh nghiệp Việt Nam đang quay lưng với bóng đá? Liệu đó chỉ là những hành động tức giận nhất thời của một số ông chủ đội bóng hay là sự chán nản thực sự của đại đa số các doanh nghiệp khi “duyên tình” với bóng đá đã cạn? Dù là lý do gì, thì cũng không thể phủ nhận được thực tế, doanh nghiệp từ bỏ bóng đá là hệ quả tất yếu từ cách làm ăn xổi của bóng đá Việt Nam thời gian qua. Khoảng 4 năm trở về trước, nếu doanh nghiệp này bỏ đội bóng, thì ngay lập tức doanh nghiệp khác nhảy vào. Còn ở thời điểm hiện tại, có lẽ chẳng doanh nghiệp nào đủ can đảm để ôm đội bóng. Bởi trong bối cảnh kinh tế suy thoái, doanh nghiệp tồn tại đã là khó chứ chưa nói đầu tư cho bóng đá.
Sự xuất hiện và biến mất của CLB V.Ninh Bình được xem là một ví dụ tiêu biểu cho bóng đá Việt Nam khi các câu lạc bộ chịu sự quản lý của doanh nghiệp. Còn nhớ, năm 2006, ông bầu Hoàng Mạnh Trường từng gây sốc cho làng bóng đá nội khi bỏ cả núi tiền mua lại đội bóng Sơn Đồng Tâm Long An đang thi đấu ở giải hạng Nhất để đưa về đất cố đô Hoa Lư. Nhưng nay, khi thấy mối lợi từ bóng đá không còn, thì họ (V.Ninh Bình) cũng sẵn sàng từ bỏ bóng đá. Không thể phủ nhận, nhờ đầu tư vào bóng đá, mà thương hiệu của không ít doanh nghiệp đi nhanh vào đời sống xã hội hơn. Bóng đá không mang về cho các ông bầu những khoản thu trực tiếp, nhưng chừng mực nào đó, nó có hiệu quả nhất định trong công tác quảng bá thương hiệu. Điều đó lý giải, rất nhiều doanh nghiệp tuy không trực tiếp làm bóng đá, nhưng vẫn tham gia cuộc chơi với tư cách là nhà tài trợ cho các CLB, các giải đấu như Cao su Việt Nam (Đồng Tháp), Maritime bank (BecamexBình Dương), tập đoàn Hoa Sen (tài trợ cho giải hạng Nhất và cúp Quốc gia), Eximbank (V.League), Sơn Kova (U19 Quốc gia), Thái Sơn Nam (U17 Quốc gia)…
Ở góc độ khác, việc doanh nghiệp không còn mặn mà với bóng đá, cũng có thể xem là một tín hiệu tích cực để những người trong cuộc nhìn nhận lại, tìm hướng đi chỉn chu và chuyên nghiệp cho bóng đá nước nhà. Đầu tư cho bóng đá, cũng cần phải có lộ trình và không thể đốt cháy giai đoạn. Vấn đề đặt ra lúc này là VFF và Công ty Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ phải làm gì để cứu con thuyền bóng đá Việt Nam vượt qua khủng hoảng.
Yến Nhi