Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm học, tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc; trong đó, năm học 2022 - 2023 có 9.295 giáo viên và năm học 2021 - 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc.
Nguyên nhân chính khiến các giáo viên bỏ nghề, rẽ sang hướng khác chủ yếu vì áp lực của cuộc sống. Theo đó, với mức thu nhập khá thấp của một giáo viên hiện nay, nhất là giáo viên mới ra trường hoặc có thâm niên dưới 5 năm thì không thể nào đủ để trang trải cuộc sống. Thực tế, nhiều giáo viên ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm nhiều việc khác để đảm bảo cuộc sống.
Bên cạnh đó, giáo viên phải chịu rất nhiều áp lực từ việc đổi mới giảng dạy, từ nhà trường, từ cha mẹ học sinh…; đồng thời, thời gian dành cho giảng dạy và rất nhiều những công việc “không tên” khác ở trường cũng đã chiếm hết thời gian dành cho cá nhân, cho gia đình.
Có thể nói, việc chuyển dịch nghề nghiệp là chuyện tất yếu, ở lĩnh vực nào cũng vậy. Thế nhưng với nghề giáo, việc thầy cô nghỉ việc, chuyển nghề với số lượng khá lớn hàng năm, trong khi việc tuyển dụng mới lại rất khó, hầu như không năm nào đạt chỉ tiêu, là điều đáng suy ngẫm. Do đó, nếu không kịp thời có những chính sách hỗ trợ thì số lượng thầy, cô giáo bỏ việc thời gian tới có thể còn gia tăng.
Theo các chuyên gia trong ngành giáo dục, việc phát triển và xây dựng, củng cố lại đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ cấp bách cần đặt ra, gồm cả việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đáp ứng được công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục đại học; đồng thời để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên hiện nay. Do đó, cần nhiều hơn những chính sách ưu tiên dành cho đội ngũ này.
Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 95/NQ-CP, trong đó nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Bộ luật này sẽ là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, cơ sở pháp lý để phát triển đội ngũ, chăm lo chế độ, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, quản trị đội ngũ nhà giáo theo hướng hệ thống, bài bản, bền vững.
Theo đó, trong dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý; chính sách phát triển nghề nghiệp nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề; giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm họ được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người; đồng thời khắc phục các bất cập trong hệ thống quản lý nhà nước về nhà giáo thời gian vừa qua.
Ngoài ra, để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cụ thể, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng.
Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên như: hỗ trợ kinh phí, nhà công vụ, học tập, nâng cao trình độ…; xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho thầy, cô giáo trong quá trình công tác. Mặt khác, các địa phương cần có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Nghề giáo là nghề “trồng người”, được cả xã hội quan tâm và đề cao nên việc đầu tư cho giáo viên nói riêng và ngành giáo dục nói chung cần phải được ưu tiên; qua đó, cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho giáo viên, xây dựng và đào tạo đội ngũ giáo viên chuẩn mực để từ đó thay đổi xã hội, như Bác đã từng căn dặn: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.