Để người dân đi xe buýt

Việc đi lại tại các đô thị của người dân tất yếu sẽ phải sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng như tàu điện, xe buýt để thay thế cho phương tiện phổ biến hiện nay là xe gắn máy. Tại nhiều đô thị lớn của nhiều nước trên thế giới, xe gắn máy đã bị cấm lưu hành triệt để trên toàn thành phố hoặc một vài khu vực. Bởi lẽ xe gắn máy là nguyên nhân gây ra kẹt xe, ùn tắc giao thông. Khí thải của hàng triệu xe gắn máy cũng làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Và đáng lo ngại hơn là các vụ tai nạn giao thông do xe máy gây ra không giảm và thậm chí còn rất thảm khốc.

Tình trạng sử dụng xe ô tô cá nhân làm phương tiện đi lại trong điều kiện hệ thống đường sá như hiện nay cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Việc người dân quen dùng xe gắn máy, xe ô tô cá nhân làm phương tiện đi lại còn gây ra lãng phí. Chỉ tính riêng ở TP Hồ Chí Minh với 4,5 triệu xe gắn máy và nửa triệu xe ô tô đã tiêu thụ hết 70 tỷ đồng tiền xăng mỗi ngày. Cũng theo tính toán từ các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh, nếu một ngày một xe ô tô tiết kiệm 1 lít xăng, một xe máy tiết kiệm 1/4 lít xăng thì thành phố sẽ tiết kiệm được 26 tỷ đồng/ngày.
Vì thế, trong chủ trương tiết kiệm của TP Hồ Chí Minh, việc vận động người dân đi xe buýt là một biện pháp mang tính khả thi cao. Theo đó, từ ngày 1/6/2011, mỗi cán bộ công chức, đảng viên, sinh viên; và từ 1/9/2011 là toàn thể người dân thành phố mỗi tuần đi xe buýt một ngày. Đi lại trong bán kính từ 2-5 km thì dùng xe đạp, xe đạp điện hoặc đi bộ, còn trên 5 km thì đi xe buýt.

Nếu cuộc vận động này thành công sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn không chỉ trên lĩnh vực giao thông mà còn tác động tích cực đến đời sống, văn hóa, xã hội và môi trường. Bởi khi toàn dân dùng phương tiện giao thông công cộng hay không dùng phương tiện giao thông có động cơ hoặc đi bộ trong bán kính từ 1-2 km, tất nhiên sẽ tạo ra trật tự giao thông và môi trường sống an toàn và lành mạnh; giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông vốn rất nan giải hiện nay.

Có lẽ đây là cuộc vận động thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội, bởi vì nó tác động tới hầu hết mọi người. Trong đó, trên đại thể là sự hưởng ứng, đồng thuận từ cán bộ, công chức đến người dân; ai cũng mong muốn khi ra đường không bị ùn tắc giao thông, không phải quanh năm mang khẩu trang và nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông do xe máy, ô tô gây ra. Và theo ý kiến của nhiều cán bộ công chức và cha mẹ học sinh, thì trong vòng bán kính 1-2,5 km đều có thể đi bộ, vừa an toàn; và trong nhiều thời điểm trong ngày, đi bộ không mất thời gian hơn đi xe gắn máy.

Tuy nhiên, nếu hàng triệu người bỏ xe gắn máy thì liệu xe buýt có đảm bảo chuyên chở hết hành khách, nhất là vào giờ cao điểm. Rằng, với hàng triệu người đi bộ thì hè phố có còn chỗ để cho người đi bộ; không lẽ người đi bộ lại đồng hành với ô tô, xe máy dưới lòng đường với những hiểm họa khôn lường? Đó là những băn khoăn lớn nhất của người dân trước một chủ trương lớn của TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là những băn khoăn chung của người dân tại nhiều đô thị trong cả nước khi muốn đi xe buýt thay cho xe gắn máy.

Thực tế, hè phố tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, từ lâu đã tự “chuyển đổi” chức năng từ nơi dành cho người đi bộ thành những bãi giữ xe, những mặt tiền cửa hiệu. Vì vậy, để cuộc vận động người dân đi xe buýt thành công; trước hết các cơ quan quản lý phải có biện pháp “đòi lại” vỉa hè cho người đi bộ.

Nguyễn Quang Vinh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN