Dẫu không thanh lịch …

Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, là đất ngàn năm văn vật, là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Vì thế từ xa xưa nếu nói về phong thái, cốt cách của con người và vùng đất Hà Nội – Thăng Long, người ta thường nghĩ ngay đến câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Nhiều nhà văn hóa cho rằng câu ca này có ý nhấn mạnh tính chất phồn hoa, đô hội chốn kinh kỳ, cũng như ca ngợi tính cách thanh lịch của người Hà Nội. Và rằng, chất hào hoa, thanh lịch ấy đã được sàng lọc, gìn giữ trải qua cả ngàn năm. Cho nên, khi nói đến văn hóa, lối sống của người Hà Nội là nói đến những gì thuộc về tinh hoa, quý báu của văn hóa Thăng Long. Các nhà văn hóa, những người yêu Hà Nội đều mong muốn gìn giữ nét thanh lịch của người Hà Nội, từ cách giao tiếp, ăn, mặc đến cách hưởng thụ nghệ thuật sao cho có văn hóa để khi nói đến văn hóa Thăng Long thì ai cũng đều phải ngưỡng mộ.

Tiếng nói của người Hà Nội là một ngôn ngữ chuẩn mực, sang trọng, không lẫn vào đâu được, nó giàu âm sắc, ngữ nghĩa phong phú, làm mẫu mực cho cả nước. Vì vậy mà bao nhiêu người nhập cư, qua vài năm là đã “hòa giọng” vào tiếng nói của người Hà Nội; mọi thổ âm, phương ngữ dường như tan biến vào giọng nói của người Hà Nội. Hà Nội cũng là nơi có văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú bởi chính lối sống đầy chất văn hóa Thăng Long đã tinh lọc lấy tinh hoa của bá tánh, tứ trấn mà cô đúc lại thành cái tinh túy nhất, biến ẩm thực thành cái hồn thơm thảo, tinh tế, sâu lắng.

Song le, tại nhiều quán ăn hiện nay tại Hà Nội khách hàng luôn phải đối mặt với kiểu đi ăn hàng quán mà như đi “xin ăn”. Vừa ăn, vừa bị chủ quán chửi bới, mắng mỏ với những lời lẽ văng tục, chửi thề thực sự chợ búa, giang hồ. Ấy thế mà nhiều người còn mặc nhiên coi đây là một “nét văn hóa mới” của người Hà Nội; và chen chúc nhau ăn, coi đó như là một sự sành điệu! Vì thế mới xuất hiện những thương hiệu quái dị như “phở đuổi”, “cháo chửi”… mà chắc là trên thế giới này không đâu có.

Tại một quán phở nổi tiếng ở Hà Nội là phở B.Đ. trong một lần đến ăn phở, khi đang ngồi chờ nhân viên phục vụ ra thì chủ quán liền gắt gỏng: “Trả tiền”. Chúng tôi tưởng đâu chủ quán đòi tiền khách đã ăn phở xong; dè đâu chủ quán nhằm thẳng vào tôi: “Anh kia trả tiền” . Còn đang ngỡ ngàng thì một thực khách nhắc: “Ở đây phải trả tiền trước”. Tôi ra quầy đưa tiền nhưng đứng lệch về phía nồi nước dùng liền bị chủ quán mắng: “Anh đứng ra chỗ khác, có nhìn thấy nồi nước phở không?”. Tôi đã định bước ra khỏi quán nhưng đành trấn tĩnh lại để xem cái quán phở nổi tiếng này nó phục vụ ra sao và nó ngon đến đâu mà dù là quán vắng người chủ quán vẫn hách đến thế. Tôi nhẫn nại ra bàn ngồi. Vừa ngồi, chủ quán lại quát “bê phở”. Tôi ngỡ chủ quán gọi phục vụ thì một vị thực khách lại nhắc tôi: “Ở đây khách phải tự bê phở anh ạ”. Tôi bê phở và ăn thử xem nó ngon đến đâu nhưng cổ họng nghẹn lại không nuốt được. Tôi bật dậy nhìn chủ quán mà rằng: Từ nay cạch không vào quán này vì thái độ vô lối… bỏ lại sau lưng những lời thô tục của chủ quán.

Nhưng ở một con hẻm nhỏ ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh có một gánh bánh trôi, bánh chay của một bà cụ người Hà Nội, vào Sài Gòn lập nghiệp từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Khi khách đến ăn tự tay cụ làm món một cách chậm rãi, kỹ lưỡng; rồi cụ hai tay bê đĩa bánh trịnh trọng đặt vào tay khách: “Mời cậu - mợ - cô xơi quà”. Ai ăn và lần nào ăn cũng được cụ đối xử như vậy.

Mỗi lần đến quán gánh của bà cụ tôi lại nhớ câu thơ “Họ gánh tên xã tên làng theo mỗi chuyến di dân”- (Nguyễn Khoa Điềm); và trong “quán gánh” đầu hẻm kia, bà cụ bán bánh trôi, bánh chay còn “gánh” cả cái thanh lịch của người Tràng An đi theo…

Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN