Trên thực tế, rất nhiều loại trái cây trong nước được mùa, nhưng vẫn phải nhập khẩu. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm (âm lịch), các doanh nghiệp và giới tiểu thương đổ xô lên cửa khẩu để “đánh hàng” phục vụ Tết Nguyên đán.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vựa trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và miền Bắc nguồn cung rất dồi dào, nhưng hoa quả nhập ngoại (Australia, Pháp, Mỹ, Thái Lan) vẫn tràn ngập thị trường. Ngoài chợ đầu mối Long Biên, Song Phương, Cát Quế (Hà Nội), còn rất nhiều chợ đầu mối như Hòa Đình (Bắc Ninh), Thổ Tang (Vĩnh Phúc)… trở thành điểm tập kết, trung chuyển tiêu thụ nông sản tại nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc.
Yếu tố tích cực là người tiêu dùng được quyền lựa chọn những sản phẩm ưng ý, giá cũng phải chăng. Nhưng về mặt vĩ mô, trái cây nhập khẩu tràn lan, thiếu kiểm soát sẽ làm mất cân bằng thị phần của trái cây trong nước, đẩy trái cây trong nước vào bĩ cực.
Phần lớn trái cây bán tại các siêu thị hiện nay đều được gắn nhãn mác nhập khẩu, có xuất xứ từ những thị trường uy tín. Hơn nữa, những loại hoa quả nhập khẩu này chủ yếu được bán tại các siêu thị hoặc các cửa hàng chuyên bán sản phẩm nhập khẩu.
Bởi thế, người tiêu dùng có cảm giác yên tâm hơn, vì cho rằng những loại hoa quả này chất lượng bảo đảm, được kiểm định kỹ trước khi đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy. Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện một số loại trái cây được dán nhãn nhập khẩu từ châu Âu hoặc Australia, nhưng thực chất chỉ là hoa quả Trung Quốc được “phù phép” bằng vài chiếc túi lưới và nhãn mác được bày bán tại các cửa khẩu.
Chưa hết, trên một số diễn đàn internet, một số trang facebook cá nhân, rất nhiều người tiêu dùng đã chia sẻ thông tin và hình ảnh về một số loại hoa quả có mác nhập khẩu nhưng chất lượng kém, thậm chí không ít sản phẩm được ngâm tẩm hóa chất...
Theo cơ quan chức năng, công tác kiểm tra các lô hàng hoa quả nhập khẩu hiện nay chủ yếu là bằng cảm quan của người thực thi công vụ, bởi vậy, rất khó bảo đảm lô hàng đó có an toàn hay không? Phương pháp kiểm tra phổ biến nhất đang được cơ quan chức năng áp dụng là kiểm tra trên giấy tờ, quan sát lô hàng, thấy không có gì bất thường là cho thông quan.
Do vậy, người tiêu dùng lo ngại hoa quả trôi nổi sẽ dễ dàng được trà trộn, “đánh lận con đen” với sản phẩm được nhập khẩu từ những thị trường uy tín, cũng là dễ hiểu. Rõ ràng, hoa quả nhập lậu, kém chất lượng đang ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người tiêu dùng và nếu không được ngăn chặn sẽ làm suy yếu thương hiệu hoa quả Việt.