Cuộc đua ở Nam Á

Chỉ hơn một tuần sau khi Mỹ thông báo cắt 800 triệu USD viện trợ quân sự cho Pakixtan, ngày 16/7, Tổng thống nước này Asif Ali Zardari đã thực hiện chuyến thăm nước láng giềng Iran. Trước đó, ngày 24/6, sau khi Mỹ thông báo kế hoạch rút dần quân khỏi Ápganixtan, quốc gia này cùng với Iran và Pakixtan đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với mục đích là tăng cường hợp tác ba bên, trong đó bao gồm cả lĩnh vực chống khủng bố. Hai sự kiện diễn ra trong vòng chưa đầy hai tuần khiến giới phân tích đặt ra khả năng Pakixtan và Ápganixtan xích lại gần Iran, quốc gia luôn đối đầu với Mỹ.

Trong cuộc họp thượng đỉnh ba bên hay trong cuộc hội đàm song phương với Pakixtan, Iran đều thể hiện sự sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực trên tất cả mọi phương diện, từ an ninh đến kinh tế. Với Pakixtan, Iran thông báo việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Iran sang Pakixtan, một đường ống không chỉ kết nối hai quốc gia này mà dường như còn tượng trưng cho sự gắn kết chặt chẽ về kinh tế. Đáp lại, chính Pakixtan cũng đề xuất việc dùng đồng nội tệ để trao đổi thương mại song phương, một động thái rõ ràng là tạo điều kiện cho Iran trong hoàn cảnh Têhêran đang bị trói buộc vì những lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Trước đây, Oasinhtơn từng phản đối mạnh mẽ dự án hợp tác khí đốt giữa Iran với Pakixtan và đương nhiên cũng không thể vui vẻ khi hai nước này cùng với Ápganixtan bắt tay trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Mỹ liên tục có những động thái làm mất lòng hai đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố ở Nam Á như vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakixtan, các chiến dịch không kích làm dân thường Ápganixtan thiệt mạng... Bên cạnh đó, một trở ngại lớn khác ngay chính tại nước Mỹ là người dân đang ngày càng chán ghét cuộc chiến chống khủng bố ở Nam Á, một gánh nặng về cả kinh tế cũng như tinh thần đối với nước Mỹ. Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống 2012 đang đến gần và tình hình kinh tế đang khó khăn, Oasinhtơn khó mà có sự lựa chọn nào khác ngoài việc dành ưu tiên cho đối nội và tạm thời giảm bớt vai trò tại Nam Á. Những điều này đã tạo cho Têhêran thêm cơ hội để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Sau khi giải quyết được các vấn đề đối nội, liệu nước Mỹ có tìm cách trở lại với vai trò chủ đạo của mình ở Nam Á hay không? Dường như đây không phải là việc đơn giản vì Têhêran đang rất nỗ lực để tận dụng cơ hội của mình. Có thể nói bên cạnh những vấn đề đau đầu mà nước Mỹ vốn đã phải đối mặt do tầm ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, sự xuất hiện của Iran tại Nam Á sẽ càng khiến Mỹ vấp phải nhiều khó khăn hơn trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này.

Cẩm Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN