Cuộc chiến Libi chưa kết thúc

Vậy là thành trì cuối cùng của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi đã nằm trong tay lực lượng nổi dậy. Tripôli đã hoàn toàn thất thủ và cuộc chiến của lực lượng nổi dậy chống lại chế độ Kadhafi cầm quyền 42 năm qua ở Libi sau 4 tháng ở thế giằng co có thể coi là sắp đến hồi kết. Tuy nhiên, triển vọng tình hình Libi vẫn chưa thể đoán biết được, nội chiến hoặc bạo lực đổ máu như Irắc đang là mối lo được nhiều người nhắc tới.

Từ bất ổn nội bộ...

Cho đến thời điểm lực lượng đối lập tiến vào khu dinh thự Bab al-Azizya ở thủ đô Tripôli đêm 23/8, tung tích của ông Kadhafi vẫn như "chim trời cá nước". Từ một nơi nào đó, ông Kadhafi vẫn tuyên bố sẽ kháng cự đến cùng, sẽ biến Libi thành "một núi lửa phun dung nham xuống quân xâm lược". Trong khi đó, những người trung thành với nhà lãnh đạo này vẫn chiến đấu không ngừng và lực lượng đối lập cho dù khẳng định đã bắt được nhiều quân chính phủ vẫn phải thừa nhận, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc cho đến khi đưa được ông Kadhafi ra tòa.

Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều rằng dù chế độ của nhà lãnh đạo Kadhafi có kết thúc thì con đường của Libi sắp tới vẫn còn vô số gập ghềnh mà hoàn toàn có thể biến nước này trở thành một Xômali hay Irắc thứ hai.

Quân nổi dậy Libi tại thủ đô Tripôli. Ảnh: AFP - TTXVN

Các nhà phân tích nhận định, bất kỳ chính quyền của một quốc gia nào trong thời gian hình thành đều sẽ có một khoảng trống quyền lực, đều luôn nảy sinh xung đột phe phái và bạo động xã hội. Ở một quốc gia được hình thành bởi mấy chục bộ tộc như Libi, muốn cân bằng lợi ích giữa các bên, lấp khoảng trống quyền lực một cách hòa bình sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc lật đổ chính quyền của ông Kadhafi. Các nhà bình luận đều cho rằng, đối với phe nổi dậy mà đại diện là Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) sắp nắm quyền, việc khôi phục đất nước chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc giành chiến thắng vừa qua. Khi mà Tripôli đã trở nên điêu tàn và hỗn loạn vì bom đạn, khói súng suốt 4 tháng qua, điều lo ngại lớn nhất là liệu phe đối lập có thể kiểm soát được trật tự và an ninh ở Tripôli và trên cả đất nước hay không. Lý do để người ta nghi ngờ là bởi phe đối lập ở Libi chỉ là một tập hợp hỗn tạp, nội bộ chia rẽ, thành phần phức tạp, quan điểm chính trị không thống nhất, mưu cầu lợi ích cũng khác nhau. Các nhóm tuy đạt được sự nhất trí trong việc lật đổ ông Kadhafi, song một khi mục tiêu tác chiến chung không còn, những mâu thuẫn và chia rẽ giữa các nhóm chắc chắn sẽ bộc lộ. Nếu như xử lý không thỏa đáng, không tính đến tính đại diện của thể chế này mà theo đó cần có sự thương lượng giữa miền đông và miền tây Libi để phân chia lại vai trò và vị trí chủ chốt trong NTC tương lai để chính phủ sau này có tính đại diện hơn, rất có thể lại nổ ra một cuộc nội chiến khác mà mức độ khốc liệt của nó cũng "một mất một còn". Về vấn đề này, phe nổi dậy đã từng có "phốt" khi hồi tháng trước, chỉ huy vũ trang Abdel Fattah Younes bị sát hại trên thực tế là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực ngầm trong nội bộ.

Sau vấn đề giải quyết mâu thuẫn nội bộ, NTC còn đứng trước một loạt thách thức về hình thái tương lai của nhà nước ở Libi, từ việc soạn thảo hiến pháp mới tới việc tái thiết nền kinh tế, xây dựng một chính phủ hoạt động hiệu quả và xử lý số phận của ông Kadhafi (nếu ông ta bị bắt) cũng như họ hàng và các con của ông ta. Ông Kadhafi trị vì quốc gia Bắc Phi nhiều dầu mỏ này mà không cần tới các thiết chế nhà nước, do vậy đây là điều khó khăn cho chính phủ chuyển tiếp vì chính họ cũng thiếu một cơ chế chỉ huy thích hợp. Mối quan hệ căng thẳng giữa các nhân vật chống Kadhafi với những người từng một thời ủng hộ ông nhưng đã “đào ngũ” sang phe đối lập được dự báo sẽ gây khó khăn lớn cho các nỗ lực chọn lựa một ban lãnh đạo mới hoạt động hiệu quả ở Libi. Nếu phe cứng rắn thắng thế thì tình hình của Libi sẽ lặp lại đúng kịch bản của Irắc sau năm 2003 khi chế độ của Saddam Hussein bị lật đổ và những thành viên đảng Baath cùng các sỹ quan quân đội bị thanh trừng đồng loạt, dẫn tới một khoảng trống quyền lực và bất ổn kéo dài.

... tới tranh giành giữa các nước lớn

Cuộc chiến Libi đang đi đến hồi kết mở ra viễn cảnh tái thiết đầy hứa hẹn ở một nước Libi mới với nguồn tài nguyên dồi dào cả trên và trong lòng đất, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, y tế và xây dựng. Nhà phân tích Larbi Chaabouni cho rằng, không ai thờ ơ với việc phân chia "chiến lợi phẩm", khởi đầu bằng cuộc đổ xô đi tìm kiếm hợp đồng mới sôi động. Bởi vậy mà ngay từ bây giờ ở Libi đã hình thành một cuộc tranh giành khác giữa các nước lớn. Theo dõi kỹ có thể nhận thấy trong các bình luận về tình hình Libi trong thời gian gần đây, lãnh đạo các nước lớn đều có ngụ ý sâu xa, đều mượn lời "quang minh chính đại" để nói về lập trường của mình trong việc phân chia lợi ích ở Libi.

Chuyên gia Manlio Dinucio nhận xét, một khi ông Kadhafi bị lật đổ, Mỹ có thể đảo lộn toàn bộ khuôn khổ mối quan hệ kinh tế của Libi và mở đường cho các công ty đa quốc gia của mình, cho đến lúc này vẫn nằm ngoài các hợp đồng khai thác, tiến vào thị trường này. Mỹ cũng có thể nhanh chóng kiểm soát nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu và đặc biệt là cho Trung Quốc.

Trong khi đó, các tập đoàn và nhà thầu lớn của các nước châu Âu như Anh, Pháp, Italia đều đã tính đến việc trở lại Libi để nối lại các dự án bị dang dở vì chiến tranh. Theo tờ "Đại Công báo" của Hồng Công, cuộc chiến tranh giành miếng thịt Libi này cũng sẽ đầy khói súng. Vì lợi ích của mình, các nước phương Tây sẽ phải tìm các “nhà đại lý” cho mình ở Libi, thậm chí viện trợ quân sự để họ tiến hành nội chiến. Sự can thiệp của bên ngoài sẽ khiến tình hình rối loạn ở Libi càng thêm phức tạp.

Rõ ràng, sự kết thúc của chính quyền Kadhafi không có nghĩa là kết thúc bạo loạn. Ngược lại, đây mới là sự khởi đầu của một cuộc tranh giành lợi ích và bạo loạn chính trị mới. Tương lai nào đang chờ đón đất nước Libi vẫn còn là ẩn số.

Đỗ Sinh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN