Cốt lõi là sự khả thi

Dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo đại học ở 71 cơ sở giáo dục vào thời điểm các trường đang khởi động cho mùa tuyển sinh mới được cho là một quyết định mạnh tay của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Chuyện đúng, sai xung quanh quyết định của Bộ GD-ĐT có lẽ còn tiếp tục gây tranh luận. Nhưng động thái trên, đã cho thấy công tác đào tạo trong hệ thống đại học, cao đẳng đang bộc lộ những vấn đề cần phải chấn chỉnh.


Nhiều ý kiến ủng hộ cách làm của Bộ GD-ĐT, vì thực tế cho thấy, đã một thời gian dài, việc mở các ngành đào tạo, các chương trình đào tạo của các trường được thực hiện quá dễ dãi, nếu chưa muốn nói là tùy tiện. Không ít trường có xu hướng chạy theo việc mở những ngành “hot” nhằm thu lợi nhuận, trong khi việc chuẩn bị còn chưa đến nơi, đến chốn, chất lượng đào tạo không bảo đảm…


Sẽ không có gì để bàn cãi khi những trường đại học, ngành nghề đào tạo thuộc diện vừa nêu bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, cũng có luồng dư luận, với quyết định trên, Bộ GD-ĐT đã thừa nhận sự yếu kém trong công tác quản lý, dễ dãi trong việc phê duyệt mở các ngành học, dẫn đến tình trạng phát triển quá đà, khó kiểm soát. Câu hỏi được đặt ra, nếu như ngay từ khi cho thành lập trường, mở mã ngành, Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm túc việc thanh, kiểm tra và chỉ cho phép các trường đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ và trình độ giáo viên... mở các ngành đào tạo thì đâu đến nỗi có quá nhiều ngành thuộc hệ đại học (chưa kể những ngành thuộc hệ cao đẳng) phải dừng tuyển sinh như hiện nay. Có thể nói, 207 ngành đào tạo đại học bị dừng tuyển sinh do không đáp ứng điều kiện theo quy định là một sự lãng phí lớn. Thế nhưng, thiệt hại không thể đo đếm được là tương lai của những sinh viên đã và đang theo học những ngành nghề bị “tuýt còi” sẽ ra sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về hậu quả đáng buồn trên?


Cũng dễ hiểu trước sự phản ứng quyết liệt của không ít trường đại học, đặc biệt là các trường đào tạo có tính đặc thù, như văn hóa nghệ thuật. Rất nhiều “cây đa, cây đề” trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho rằng, đó là quyết định cứng nhắc, máy móc, chưa thật đúng chỗ. Quy định phải có một tiến sĩ, ba thạc sĩ đúng chuyên ngành mới được mở ngành đào tạo, nếu áp dụng vào các ngành nghệ thuật, e rằng sẽ biến hệ thống nhà trường văn hóa nghệ thuật thành thứ “robot” thuần túy. Thước đo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là những tác phẩm để đời, chứ không phải đo bằng học hàm, học vị, nhất là ở thời đại mà tiến sĩ quá nhiều, trong đó có không ít “tiến sĩ giấy”. Thực tế chứng minh, rất nhiều ngành nghệ thuật truyền thống, các nghệ nhân có tài năng đã vượt trên mọi thứ bằng cấp. Nếu cứ cứng nhắc áp quy định của Bộ GD-ĐT, buộc những nghệ nhân chèo, nghệ nhân hát xẩm phải có bằng tiến sĩ mới được phép dạy đại học thì coi như “bóp chết” ngành nghệ thuật này. Thậm chí, có ý kiến gay gắt rằng, quyết định dừng tuyển sinh với một số ngành thuộc lĩnh vực đào tạo sân khấu - điện ảnh là mâu thuẫn với “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bởi quy hoạch đặt ra mục tiêu, từ năm 2014 bảo đảm số lượng đào tạo chính quy hằng năm cho ngành điện ảnh là 15-20 đạo diễn, 10-15 nhà sản xuất phim, 10-15 biên kịch, 10-20 quay phim... Nhưng với quy định của Bộ GD-ĐT, có lẽ không bao giờ Việt Nam có ngành đào tạo sản xuất phim...


Hy vọng quyết định của Bộ GD-ĐT sẽ làm thay đổi diện mạo chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng nói riêng và hệ thống giáo dục đào tạo nói chung. Sẽ thật ý nghĩa khi một quyết định được triển khai có lộ trình rõ ràng, chặt chẽ, dám đứng mũi chịu sào, có sự thống nhất và quyết tâm cao của ngành chủ quản. Vấn đề ở chỗ, dù là một chủ trương đúng, nhưng triển khai vội vàng, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, vừa làm vừa phập phồng chờ phản ứng từ dư luận, e rằng hiệu quả mang lại sẽ khó được như mong đợi.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN