Chuyện buồn lễ hội đầu xuân

Đến hẹn lại lên, cứ sau Tết Nguyên đán thì mùa lễ hội lại đến. Đi lễ hội là tập tục đẹp, mang đậm nét tâm linh. Với nhiều người, đi hội là để được chơi hội, để được hòa mình vào cộng đồng, để trút bỏ những phiền muộn của năm cũ, để cầu những điều tốt đẹp, an hành trong năm mới. Bởi thế, những ngôi chùa, di tích lịch sử văn hóa, những địa danh mang tính linh thiêng đã trở thành những điểm đến đầu năm của hàng vạn du khách.


Thường trước dịp lễ hội, quan chức nhiều địa phương nói rằng sẽ không để du khách bị “chặt chém”, nghiêm cấm tăng giá dịch vụ, kiểm tra giá niêm yết, nhưng thực tế, ở nhiều nơi tình hình gần như không kiểm soát nổi, các dịch vụ liên quan tha hồ nâng giá, du khách đành phải chấp nhận dù bực mình. Tại rất nhiều lễ hội, vẫn nhan nhản hình ảnh phản cảm, nạn chặt chém, gây phiền hà cho du khách, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn y hệt những mùa lễ hội trước.


Lễ hội chùa Hương (Hà Nội), một lễ hội kéo dài đến nửa năm và mùa lễ hội nào cũng có chuyện và chuyện nào cũng gây bức xúc dư luận. Mùa lễ hội năm nay, ban tổ chức lễ hội địa phương báo cáo với lãnh đạo thành phố phí tham quan trọn gói (trong đó có cả phí đò) là 50.000 đồng, nhưng theo phản ánh của người đi hội, mức phí mà họ phải trả (được niêm yết hẳn hoi) là 90.000 đồng/người.


Thậm chí, du khách dù mua vé 90.000 đồng, nhưng nhiều chủ đò vẫn đòi du khách trả thêm tiền thì mới được lên đò. Mặc dù du khách đã bỏ tiền mua vé để được vào chùa Hương lễ viếng và tham quan, nhưng có một luật mà các du khách không thể “tránh” tại lễ hội chùa Hương là phải thương lượng giá cả ngồi đò vào chùa. Đây được xem như “luật bất thành văn” ở chùa Hương mà ngay cả ban tổ chức lễ hội cũng bất lực. Ấy là chưa nói giá cáp treo năm nay tăng từ 120.000 đồng lên 140.000 đồng/người.


Chưa hết, tại khu vực ga cáp treo xuất hiện nhan nhản “cò vé”. Giá vé khứ hồi niêm yết là 140.000 đồng thì “cò” rao bán với giá từ 145.000 - 150.000 đồng. Những “cò vé” này ngang nhiên xuất hiện trước khu vực ga cáp treo với nhiều tập vé trên tay, ra sức chèo kéo du khách nhưng không hề bị lực lượng chức năng xử lý.


Một chuyện buồn khác xảy ra tại khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) vào sáng mồng 3 Tết Giáp Ngọ. Một du khách nữ (hơn 60 tuổi) bị chủ đò và nhiều người dân xung quanh vây đánh gãy tay, phải nhập viện chỉ vì chủ đò đòi lì xì 5.000 đồng nhưng du khách này không chịu.


Những cách đối xử như vậy dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng mang tiếng xấu cho cả cộng đồng và cả ngành du lịch địa phương. Nhiều người thắc mắc, tại sao du khách đã kêu cứu, cậy nhờ sự giúp đỡ nhưng không thấy cơ quan chức năng nào can thiệp, giải quyết.


Chuyện du khách bị bắt chẹt, bị gây phiền hà khi tham gia các lễ hội vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đi lễ hội giờ đây đâu có được chơi hội, khi mà khách hành hương phải chịu biết bao phiền toái khi họ trở thành mục tiêu chặt chém, sách nhiễu của những kẻ lợi dụng di tích, lợi dụng lễ hội để kinh doanh. Tiếc rằng các cấp chính quyền, cơ quan có trách nhiệm nơi có lễ hội bao năm vẫn kiểu “mũ ni che tai”. Thế nên, tình trạng lộn xộn, bát nháo trong lễ hội cứ tồn tại từ năm này qua năm khác cũng là dễ hiểu.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN