Chưa thể dừng lại

Dư luận đang hết sức phấn chấn trước thỏa thuận “khủng” của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cứu Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) thoát khỏi bão nợ công. Vấn đề chính hiện nay là biến thỏa thuận trên thành hiện thực.

Nhiều giờ thảo luận căng thẳng và thâu đêm của các nhà lãnh đạo EU đã đưa đến một thỏa thuận, gồm 3 điểm then chốt: xóa bớt nợ cho Hy Lạp, tái cấp vốn cho các ngân hàng và tiếp sức cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF). Hài lòng với kết quả này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố nó sẽ trấn an thế giới vốn đang chờ đợi một quyết định mạnh mẽ từ EU. Còn Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou thì hoan hỉ vì “một chương mới” đang mở ra với Hy Lạp sau thỏa thuận mang tính đột phá này.

Thỏa thuận của EU đã dỡ bỏ một trở ngại chính trong nỗ lực giải cứu Eurozone nhờ việc các ngân hàng tư nhân châu Âu tự nguyện xóa 50% nợ của Hy Lạp. Các thành viên Eurozone cũng sẽ cho nước này vay thêm 130 tỉ euro. Những động thái này hy vọng sẽ giúp Hy Lạp củng cố khả năng tài chính và giảm nợ công từ mức tương đương 160% GDP hiện nay xuống còn 120% GDP vào năm 2020.

Nút thắt cũng đã được tháo gỡ khi các nhà lãnh đạo EU nhất trí tăng vốn dự trữ của EFSF từ 440 tỉ euro lên 1.000 tỉ euro, với hy vọng đủ để có thể ngăn chặn bất kỳ sự cố nào lan sang Italia và Tây Ban Nha, các nền kinh tế đang ngấp nghé nối gót Hy Lạp.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, xem ra vấn đề Hy Lạp đã được giải quyết một cách “cưỡng bức”, bởi thực tế các ngân hàng cấp tín dụng cho Aten trước đó còn khẳng định việc xóa một nửa số nợ cho Hy Lạp sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Hay như việc tăng vốn của EFSF lên đến 1.000 tỷ euro, các chuyên gia cho rằng đó là một con số quá lạc quan. “Một nghìn tỷ euro sẽ được lấy từ đâu?”. Nước tài trợ lớn nhất cho Eurozone là Đức và quyết định về quỹ EFSF là do các chính trị gia nước này thông qua. Nhưng những người nộp thuế ở Đức không hiểu tại sao họ lại phải thanh toán món nợ của người Hy Lạp. Đây rõ ràng là một bài toán khó.

Dẫu vậy, hội nghị Brúcxen cũng đã mang lại ánh sáng cuối đường hầm cho Eurozone. Sau bao lần họp mà kết quả chẳng là bao, thì thành công lần này theo như Thủ tướng Đức Angela Merkel là “đã đáp ứng được nguyện vọng”.

Theo các nhà phân tích, các biện pháp mới chỉ có thể giúp ổn định phần nào tình hình Eurozone trong một thời gian. EU vẫn cần thể hiện ý chí cộng đồng hơn nữa để tìm ra phương án giải quyết lâu dài cho tương lai không chỉ của một nước, hay của khu vực đồng euro mà của cả liên minh.

N.A

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN