Không phải chờ đến rạng sáng 14/7 (theo giờ Việt Nam) khi Mỹ ra tuyên bố bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết khu vực Biển Đông, mà Việt Nam vốn đã luôn có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền không thể chối cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong tuyên bố ngày 13/7 (rạng sáng 14/7 theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn toàn bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra năm 2009; bác bỏ mọi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ mọi hành động của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp.
Đáng chú ý là trong thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ra ít giờ sau đó lại có nêu Mỹ “không phải là nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông” như một sự khẳng định tính khách quan của các tuyên bố bác bỏ “đường 9 đoạn”. Trên thực tế, không chỉ có Mỹ mà nhiều quốc gia, nhiều học giả, chuyên gia pháp lý quốc tế đều đã khẳng định “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vạch ra là trái với luật pháp quốc tế.
Cách đây tròn 4 năm, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách đối với vùng biển mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Theo phán quyết, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái gọi là "đường 9 đoạn".
Tuy nhiên, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, Trung Quốc vẫn không từ bỏ những hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, nhất là trong thời gian gần đây khi thế giới đang mải tập trung phòng chống dịch COVID-19 và tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng bị gián đoạn bởi dịch bệnh. Có thể xâu chuỗi một loạt hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam chỉ trong vòng 4 tháng qua như sau:
Ngày 20/3, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc trên một số tài khoản mạng xã hội đăng ký tên cơ quan đại diện Trung Quốc ở nước ngoài đăng tải hình ảnh bản đồ Trung Quốc có vẽ “đường 9 đoạn”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ngày 26/3, trước thông tin trên báo chí Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã triển khai hai trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Xu-bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Mọi hoạt động tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải được sự cho phép của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trước việc Trung Quốc lưu hành một số Công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa không phù hợp luật pháp quốc tế cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, ngày 30/3, Việt Nam đã lưu hành Công hàm tại Liên hợp quốc để bác bỏ các yêu sách này, như đã được nêu trong nhiều văn bản gửi Liên hợp quốc và các cơ quan quốc tế liên quan. Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc. Ngày 10/4, Việt Nam lưu hành Công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác.
Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản và đâm chìm tàu cá QNg 90617 TS với 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Ngày 19/4, trước việc Trung Quốc ngày 18/4/2020 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu: Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Chiều 23/4, liên quan đến việc Trung Quốc ban hành cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn cho 80 thực thể ở Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nêu rõ: Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối.
Ngày 8/5, trước việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8/2020 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc.
Ngày 14/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin các máy bay KJ-500 và KQ-200 của Trung Quốc xuất hiện ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".
Chiều 11/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Trung Quốc xây dựng hệ thống cáp ngầm ở quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Mọi hoạt động liên quan đến hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị.
Chiều 2/7, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc tiến hành tập trận tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai".
Trước thông tin tàu thăm dò Hải Dương 4 của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Các hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại các vùng biển của Việt Nam, được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) phải được sự đồng ý của Việt Nam theo đúng quy định của Công ước này. Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia và các quy định của UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng đối việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông, của khu vực và trên thế giới".
Như vậy là có thể thấy những vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông mang tính hệ thống và lập trường của Việt Nam là nhất quán, rõ ràng. Tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như dư luận thế giới bác bỏ “đường 9 đoạn” một lần nữa khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực đòi hỏi các quốc gia liên quan phải tôn trọng và nghiêm chỉnh thực thi luật pháp quốc tế.