Thị trường gần 100 triệu dân

Không thể phủ nhận những giá trị kinh tế to lớn của xuất khẩu đã mang lại cho doanh nghiệp và cho đất nước, thế nhưng khi mà dịch COVID-19 “càn quét” toàn cầu, mọi hoạt động xuất khẩu, mua bán quốc tế bị đình đốn, ngưng trệ… lúc này, thị trường gần 100 triệu dân trong nước trở nên vô cùng “có ý nghĩa” đối với doanh nghiệp trong nước.

Và dịch COVID-19 có thể đã giúp doanh nghiệp Việt nhận ra rằng, việc tập trung quá nhiều vào thị trường xuất khẩu luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, trong khi thị trường trong nước đầy tiềm năng bao lâu nay chưa được chú trọng đúng mức.

Theo số liệu khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cho thấy, trên 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết doanh thu của họ năm nay sẽ suy giảm mạnh. Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, số doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm khoảng 60% và doanh thu giảm từ 20-50% chiếm khoảng 29%. Hiện các doanh nghiệp đang phải xoay sở để tìm đầu ra cho sản phẩm và nếu doanh thu giảm kéo dài, nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ không “cầm cự” được nữa.

Theo đó, tiềm năng từ thị trường gần 100 triệu dân trong nước có thể sẽ giúp doanh nghiệp vực dậy nếu biết khai thác đúng. Một minh chứng trong mùa dịch COVID-19 cho thấy, khi nhiều mặt hàng như thanh long, dưa hấu, thuỷ sản… không thể xuất khẩu được, các doanh nghiệp đã bắt tay cùng các nhà bán lẻ trong nước và cùng các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ, “giải cứu”. Kết quả đã giải toả được lượng lớn hàng hoá tồn đọng, giúp người nông dân tiêu thụ được sản phẩm. Từ kinh nghiệm này cho thấy, nếu doanh nghiệp cùng “bắt tay hợp tác” và có những giải pháp kích cầu hiệu quả thì thị trường gần 100 triệu dân trong nước sẽ không khiến doanh nghiệp thất vọng.

“Giờ chúng ta có khoảng 100 triệu dân rồi, đây là một thị trường khổng lồ. Những năm qua, chúng ta có chú ý nhưng chưa thỏa đáng nhu cầu”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận xét.

Theo các chuyên gia kinh tế, để khai thác tốt thị trường gần 100 triệu người này, doanh nghiệp cần có sự liên kết với nhau, cũng như liên kết với các địa phương để cung cấp hàng hoá bổ sung cho nhau; đồng thời doanh nghiệp cũng cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, giảm giá và tăng ưu đãi để kích thích khách hàng tiêu dùng.

Hơn nữa, đây là lúc doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận thị trường qua việc đầu tư các dòng sản phẩm mới, phù hợp sức mua của từng địa bàn và nhất là cần nghiên cứu thị trường để nắm bắt nhu cầu người dân đang cần gì để cho ra những sản phẩm phù hợp.

Đặc biệt, đây cũng là lúc các doanh nghiệp cùng ngành nghề “bắt tay thật chặt” để cùng tạo ra một chuỗi cung ứng, phân phối sản phẩm đầy đủ, “tận tay” người tiêu dùng. Bởi, với thị trường gần 100 triệu dân này, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã “nhòm ngó” và khi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU (EVFTA) có hiệu lực thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tận dụng cơ hội để “xâm chiếm” thị trường. Khi đó, nếu doanh nghiệp trong nước đã liên kết đủ chặt thì có thể vừa giữ vững được thị trường nội địa, vừa có thể có tiềm lực để phát triển ra thị trường bên ngoài.

Ngoài ra, một thành tố không thể thiếu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, khai thác thị trường hiệu quả là chính quyền địa phương. Theo đó, chính quyền địa phương phải đồng hành, làm trung gian kết nối và giải quyết thoả đáng các vướng mắc, chồng chéo về thủ tục hành chính, thuế…; đồng thời có cơ chế mở để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng phát triển trên địa bàn quản lý.

“Thị trường trong nước chính là không gian kinh tế mà Việt Nam có thể chủ động điều tiết, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tái khởi động sản xuất, phục hồi doanh số”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khẳng định.

Minh Thuyết
Thay đổi ý thức làm du lịch
Thay đổi ý thức làm du lịch

Kể từ khi xóa bỏ giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 đến nay, rất nhiều địa phương tổ chức diễn đàn kích cầu du lịch. Các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch tung ra nhiều gói khuyến mãi hấp dẫn. Trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… tràn ngập quảng cáo các chương trình, các tour du lịch giảm giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN