Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch COVID-19 đang đi đúng hướng, mang lại những thành tựu quan trọng, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp cũng như cộng đồng quốc tế. Phải thấy rằng, trong điều kiện vừa phải nỗ lực khôi phục phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Đảng ta vẫn dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống tham nhũng. Điều đó được khẳng định tại Hội nghị Trung ương lần 5 khóa XIII diễn ra cách đây chưa lâu, Đảng ta một lần nữa đã thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới công tác cán bộ...
Rõ nét nhất là một số vụ án làm lũng đoạn thị trường chứng khoán, tiền tệ, đất đai (Tân Hoàng Minh, FLC), mua bán trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch (Công ty Việt Á)… được phát hiện, ngăn chặn. Không ít cán bộ có chức quyền, giữ cương vị chủ chốt (từ Trung ương tới cơ sở) “nhúng chàm” đã bị đưa ra ánh sáng; tài sản, tiền bạc thu nhập bất chính của một số cá nhân trục lợi bước đầu được kê biên, phong tỏa, thu hồi.
Những động thái và kết quả bước đầu trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng thời gian qua đã cho thấy không có vùng cấm, cả cán bộ có chức quyền, dù ở cương vị nào, các vụ tham nhũng liên quan đến lợi ích nhóm, tham ô tiền của dân, tài sản nhà nước làm giàu bất chính… đều bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Trong số đó, có cả cán bộ giữ vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền, cả Trung ương cũng như địa phương.
Phát biểu trước cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt câu hỏi đồng thời khẳng định: “Vì sao việc xử lý một số vụ án, xử lý kỷ luật một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp trong thời gian gần đây lại được đông đảo cán bộ, đảng viên, các lão thành, cán bộ hưu trí và nhân dân đồng tình, ủng hộ đến như thế? Nếu không có sự ủng hộ của nhân dân thì khó có thể không thể thành công. Việc làm hợp lòng dân thì dân tin và dân tin thì chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm việc gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả. Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, không phải xử nặng đã là tốt, mà sao để người bị xử nhìn thấy sai lầm khuyết điểm của mình, cũng như phải thu hồi cho bằng được tài sản tham nhũng thì mới được lòng dân”.
Cũng theo Tổng Bí thư, một trong những căn nguyên của tệ tham nhũng chính là công tác cán bộ thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nổi cộm là công tác đề bạt, bổ nhiệm không đúng quy trình. Đảng ta luôn nhấn mạnh cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Tuy nhiên, trong một thời gian dài công tác này bị buông lỏng, dẫn tới thực trạng nhiều cán bộ được bổ nhiệm không đủ phẩm chất, năng lực; thậm chí cả đối tượng chạy chức chạy quyền, bổ nhiệm người nhà, “cánh hẩu” cũng được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng, then chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền các cấp… khiến lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ bị xói mòn.
Phải nhận thức rằng, chống tham nhũng sẽ không tránh khỏi mất cán bộ, nhưng đó là mất cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất, mà người dân thường gọi là những “con sâu” đang làm “rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng, cản trở quá trình phát triển, đổi mới đất nước. Không phủ nhận, mất cán bộ là mất mát lớn, nhưng loại bỏ được những “con sâu” ra khỏi bộ máy chính là củng cố niềm tin của dân với Đảng, cũng là động lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cũng còn không ít băn khoăn khi nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng diễn ra cách đây cả gần chục năm, nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý? Còn nữa, việc kê khai tài sản được thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng việc kiểm soát kê khai chưa được quan tâm đúng mức, đến khi phát hiện thì tài sản lại quá lớn, người phạm tội quanh co, thiếu trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập? Không khỏi bất bình khi phát hiện một số cán bộ, công chức có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì thấy không ít tài sản bị tẩu tán, hay được giải trình theo kiểu biệt thự do mẹ già sở hữu, hay con là sinh viên vừa ra trường đã có khối tài sản lớn mà người thu nhập chính đáng khó mà có nổi. Bởi vậy, việc thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn tình trạng tẩu tán hoặc chuyển dịch tài sản cho người thân đang là vấn đề dư luận quan tâm, đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc quyết liệt và làm tới cùng.
Bên cạnh đó, vẫn còn đó thực trạng ở Trung ương “lò đã cháy rực”, nhưng ở địa phương thì lại thiếu quyết liệt, thậm chí thờ ơ. Với quyết tâm mới, được dư luận nhân dân đồng lòng, ủng hộ, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII mới đây, Đảng ta xác định cần phải thành lập các Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng cấp địa phương (cấp tỉnh) đủ mạnh, trở thành “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo Trung ương, để đưa “lò lửa” phòng chống tham nhũng tới từng địa phương. Kết quả, tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng và bước đầu đã có một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo, như Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Sóc Trăng, An Giang …
Chắc chắn rằng, cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng sẽ không có điểm dừng, mang lại kết quả toàn diện, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân; là cơ sở để xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương thật sự trong sạch, vững mạnh. Đó cũng là nhân tố tạo thêm sức mạnh và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập sâu rộng của đất nước.