Ngay từ khi dịch COVID-19 mới nhen nhóm, cả hệ thống chính trị đều xác định rõ tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động mọi cấp, mọi ngành phải vào cuộc tích cực, không được chủ quan. “Đồng chí nào chủ quan phải bị xử lý nghiêm túc. Đừng thấy dịch bệnh là bình thường, phải thấy đây là vấn đề rất nóng” - người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh như vậy.
Tuy nhiên, khi phương châm chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để đổi lấy sức khỏe và tính mạng của nhân dân thấm vào từng người, từng doanh nghiệp, từng con phố, khi tất cả đồng lòng giãn cách xã hội và khi những “chiến sỹ” ở tuyến đầu ngày đêm tận tâm, tận lực dập dịch, cũng như việc xuất hiện ngày càng nhiều nhiều tấm gương “nhường cơm sẻ áo” cho những hoàn cảnh gặp khó khăn trong đại dịch, thì đáng tiếc một số cán bộ, đảng viên lại có dấu hiệu “thả lỏng”.
Câu chuyện liên quan đến Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) gây bức xúc dư luận những ngày gần đây chỉ là một ví dụ. Hành động phản cảm quát tháo, chống đối tại chốt kiểm dịch của vị này, cho dù là bộc phát, quả thật không xứng đáng với tư cách một đại biểu dân cử, chưa nói đến một cán bộ lãnh đạo. Nếu không phải chính những đại biểu dân cử, đầu tiên và gương mẫu chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, thì làm sao họ có thể đứng trước dân để mà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn.
Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản đã bị tạm đình chỉ công tác. Nhưng trước đó, trong ba tháng rưỡi chống dịch COVID-19 vừa qua, cũng đã có không ít người đứng đầu bị xử lý, kiểm điểm vì thái độ lơ là, thiếu trách nhiệm tương tự. Tại Hà Tĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê bị tạm đình chỉ công tác vì “rình rang” làm đám cưới cho con trai vi phạm quy định cấm tụ tập đông người. Tại Đắk Nông, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh bị điều chuyển công tác do không quyết liệt chống dịch. Tại Thanh Hóa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn bị yêu cầu kiểm điểm vì vắng mặt trong buổi họp về phòng, chống dịch COVID-19. Hay tại Hải Phòng, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh) bị điều chuyển công tác vì lơ là trong công tác phòng, chống dịch…
Vẫn biết đây chỉ là những trường hợp cá biệt trong bức tranh tổng thể chống dịch COVID-19 rất hiệu quả và đáng khen ngợi của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhưng hơn lúc nào hết, người càng giữ chức trách lại càng phải thấu hiểu trách nhiệm nêu gương cho cấp dưới, cho nhân dân, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn cần sự tỉnh táo và bản lĩnh của người đứng đầu. Một tàn thuốc lá có thể thiêu hủy cả cánh rừng, một sơ suất nhỏ có thể gây hiệu ứng domino. Với người đứng đầu, hậu quả đáng sợ nhất chính là sự lung lay niềm tin của nhân dân.
Những ngày qua, rất nhiều vi phạm về phòng chống dịch bệnh đã bị xử lý nghiêm trên phạm vi toàn quốc - nhỏ là không đeo khẩu trang nơi công cộng, tụ tập đông người; lớn hơn là tung hoang tin trên mạng xã hội; thậm chí nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự do hành vi chống đối lực lượng chức năng. Mạnh tay như vậy để răn đe, nhắc nhở không một ai có thể nhờn luật, nhưng đây đó mỗi ngày vẫn ghi nhận không ít vi phạm tái diễn. Cho nên, khi dịch bệnh còn diễn biến khó lường, những vi phạm, thái độ chủ quan, tắc trách của người đứng đầu mỗi cấp, mỗi ngành lại càng phải được chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh để làm gương.
Thậm chí, như đề nghị của một lãnh đạo địa phương, việc không giới thiệu cán bộ, đảng viên vào cấp ủy, ban chấp hành tại đại hội Đảng các cấp, nếu cán bộ, đảng viên đó có biểu hiện lơ là, thờ ơ, không vì dân, không nắm chắc tình hình dịch bệnh của địa phương mình, cũng là cách buộc những người đứng đầu phải cân nhắc nói và làm, sao cho khỏi hổ thẹn với chính mình, khỏi “xấu hổ” với nhân dân giống như vị đại biểu dân cử nọ.
Khi nào từ “cách ly xã hội” lùi vào quá khứ và cuộc sống của chúng ta mới có thể trở lại như bình thường, điều đó phụ thuộc vào ý thức và hành động của mỗi người. Trong đó, người đứng đầu đơn vị, địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu thực hiện các chỉ thị của Chính phủ và lan tỏa tinh thần đó trong nhân dân để chiến thắng đại dịch quái ác này.