Cuộc gọi lúc 0 giờ

Lâu lắm rồi tôi mới nhận cuộc điện thoại vào thời điểm mà chắc không ai mong muốn: Lúc 0 giờ. Bên kia đầu dây, anh bạn đồng hương (ở cách nhà tôi chừng 10 phút đi xe đạp) giọng đầy vẻ suy tư.

Anh phàn nàn, hôm trước cùng vợ vượt cả trăm cây số về thăm bố mẹ đẻ ở Hải Phòng, vừa tới cửa ngõ đã bị lực lượng chức năng của thành phố chặn lại yêu cầu quay trở về nơi xuất phát, nếu không chấp hành sẽ phải thực hiện cách ly y tế và tự trả chi phí phục vụ. Khi thắc mắc thì được giải thích rằng, họ thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, địa phương nào ở yên địa phương đó, tỉnh nào ở yên tỉnh đó... để phòng chống dịch COVID-19.

Tôi an ủi bạn rằng, không riêng quê mình đâu, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Nam, Sơn La… họ đều làm như vậy cả. Mấy hôm trước, xem trên tivi, có cả hình ảnh nhiều tuyến đường liên tỉnh khi đến địa phận Quảng Ninh, người dân địa phương dựng cả chướng ngại vật, đổ đất đá để ngăn chặn những người ở nơi khác đến tỉnh này.

Hay như Bắc Giang, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh còn yêu cầu, từ 9/4, tất cả người dân trong tỉnh không được đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có người mắc COVID-19. Trường hợp đặc biệt buộc phải đến các địa phương có dịch (ốm đau cần đi khám, chữa bệnh…), trước khi đi phải báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thành phố nơi cư trú, khi về phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày…

Cũng ở quê mình đấy (Hải Phòng), việc bắt buộc cách ly y tế 14 ngày đối với những lao động đến từ Hải Dương không chỉ gây khó khăn cho hàng nghìn lao động của tỉnh bạn, mà chính các doanh nghiệp của Hải Phòng cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn vì thiếu lao động. Thường ngày có hàng trăm công nhân ở một số xã của Hải Dương (giáp ranh với Hải Phòng) đi qua các bến đò, phà trên sông Văn Úc sang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các huyện An Lão, Tiên Lãng (Hải Phòng). Do chi phí nhà trọ cộng giá sinh hoạt đắt đỏ, nên đa số người lao động không ở trọ, mà chọn giải pháp sáng đi làm (ở Hải Phòng), tối trở về nhà (ở Hải Dương). Khi Hải Phòng yêu cầu người ở tỉnh khác muốn quay trở lại làm việc buộc phải thực hiện cách ly 14 ngày, khiến người lao động không còn cơ hội quay trở lại làm việc.

Tôi giải thích thêm, Việt Nam giờ đã chuyển sang giai đoạn 3 của dịch COVID-19 khi đã “mất dấu F0”, với rất nhiều trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng mà không xác định được nguồn lây, bởi vậy nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất cao. Chính vì thế, giãn cách xã hội là biện pháp hữu hiệu nhất để tránh lây lan ra cộng đồng, cũng nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng nổ lây nhiễm dẫn tới quá tải y tế. Thế nên, cách vận dụng ở mỗi địa phương tuy có khác nhau, nhưng đều có chung mục tiêu là ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dù có quan điểm cho rằng, cách làm của Hải Phòng và các tỉnh nói trên có phần thái quá, nhưng cũng dễ thông cảm và có thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường.

Bạn thấy đấy, dịch COVID-19 đang làm cả thế giới còn bấn loạn, chứ đâu riêng đất nước mình. 

Liên minh châu Âu tổ chức cuộc họp dự kiến trong 4 tiếng đồng hồ để bàn cơ chế phối hợp tài chính đối phó với khủng hoảng do dịch COVID-19,  nhưng phải kéo dài tới 3 ngày mà các quốc gia trong khối đâu có tìm được tiếng nói chung.  

Rồi trang workers.org của Đảng Công nhân thế giới (Mỹ) ngày 8/4 đăng bài nhận định, đại dịch COVID-19 đã bắt đầu cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong các phản ứng khẩn cấp của các quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam, dù là quốc gia không có nguồn lực lớn, song lại đang ứng phó rất hiệu quả với dịch COVID-19, nhận được sự đồng lòng của toàn dân… 

Đặc biệt, trong những ngày qua, truyền thông thế giới liên tục có những bài viết ca ngợi những thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Bài viết trên website zen.yandex.ru của Nga ca ngợi Việt Nam đã trở thành hình mẫu trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Đây là kết quả từ những phản ứng nhanh chóng của Chính phủ Việt Nam.

Gần đây nhất, tờ Kompas (Indonesia) đã đăng bài “Những gì mà Việt Nam đã làm để ứng phó với COVID-19 thật đáng ngưỡng mộ” ca ngợi Việt Nam đang là hình mẫu của khối ASEAN về đẩy lùi COVID-19. Có được thành công này là từ sự phản ứng, những quyết sách kịp thời của Chính phủ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả giữa lực lượng quân đội, công an, các tầng lớp xã hội… trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. Không những thế, Việt Nam còn chống dịch bằng những hình thức đơn giản, nhưng lại gây hiệu ứng mạnh mẽ. Ca khúc “Ghen Co Vy” (do Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với nhạc sĩ Khắc Hưng thực hiện) đã trở thành hiện tượng truyền cảm hứng toàn cầu khi xuất hiện trong chương trình Last Week Tonight của kênh HBO (Mỹ), trên sóng truyền hình của Pháp, Hàn Quốc; các trang Tiktok, Instagram, Youtube, Twitter... 

Đơn cử vậy, chứ không thể kể hết được bạn ạ. 

Nào, hãy cùng nắm tay và thả mình vào ca khúc “Ghen Co Vy” để mà tự hào, để yêu đất nước mình, dân tộc mình. Không tự hào sao được khi chúng ta là con Lạc cháu Hồng mà.

Yến Nhi (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội
TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Mình, ông Lê Thanh Liêm vừa ký văn bản khẩn số 1297/UBND-VX về tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN