Thích ứng giãn cách xã hội, quyết liệt dập dịch

Thời điểm từ ngày 1/4 đến 15/4 được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đánh giá có tính quyết định ngăn không cho dịch lây lan trong cộng đồng. Đố cũng là lý do Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 thực hiện giãn cách toàn xã hội. Trong tuần đầu thực hiện, người dân và doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Người dân và doanh nghiệp đồng lòng 

Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đông đảo người dân và doanh nghiệp đã bình tĩnh, đồng lòng cùng Chính phủ bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định phòng, chống dịch.

Chú thích ảnh
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội tuyên truyền xử lý xe taxi vi phạm trong thời gian giãn cách xã hội.

Trong tuần đầu triển khai, nhiều người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm dừng hoạt động, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Những cơ sở này cũng nhanh chóng thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường phòng, chống dịch.

Chị Mai Thị Trang (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Từ 1/4, thực hiện việc giãn cách xã hội, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, vì đây là giải pháp tối ưu để ngăn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tôi đã đóng cửa tạm thời cơ sở làm đẹp, chăm sóc sức khỏe của gia đình theo đúng quy định của nhà nước”. 

Việc ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội cũng được nhiều người nhìn nhận một cách tích cực. Khi làm việc tại nhà, nhiều người đã có thời gian dành cho gia đình. Chị Thùy Dung (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ khi bùng phát dịch COVID-19, nếp sinh hoạt của gia đình thay đổi khá nhiều. Trước đây, do bận công việc, nên chỉ có buổi tối cả nhà mới ăn cơm cùng nhau, bữa sáng thường ăn qua loa. Hiện do có nhiều thời gian ở nhà hơn, chị tự đặt ra thử thách “365 bữa sáng ngon” cho bản thân, mỗi sáng là một món khác nhau.

Cũng trong những ngày này, vào những ngày trong tuần, từ 8 giờ 30, anh Phạm Việt Anh (Long Biên, Hà Nội), nhân viên marketing một công ty thời trang ăn mặc chỉnh tề, ngồi trước máy tính để bắt đầu việc điểm danh, chấm công và báo cáo công việc sẽ làm trong ngày

Anh Việt Anh cho biết, vì đang trong thời gian giãn cách xã hội, mọi công việc đều bị ảnh hưởng, các hoạt động như gặp gỡ, ký kết hợp đồng với khách hàng đều được tạm hoãn. Tuy nhiên, với những việc có thể làm online, chất lượng không có nhiều khác biệt so với khi ngồi trực tiếp tại văn phòng.

Còn anh Lê Anh Tiến, CEO Công ty cổ phần công nghệ Chatbot Việt Nam cho biết, khoảng hơn 1 tháng nay, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn bộ nhân sự công ty đã chuyển sang làm việc online tại nhà. Sử dụng các nền tảng công nghệ số để quản lý nhân sự cùng với các quy tắc rõ ràng về văn hóa làm việc online nên hoạt động của công ty không bị ảnh hưởng nhiều.

“Để làm việc tại nhà hiệu quả, mỗi nhân sự cần chuẩn bị cho mình tác phong giống như đang đi làm tại công ty. Nhân sự có thể ngồi tại bàn làm việc, bàn ăn, hoặc ghế bình thường để tránh cảm giác buồn ngủ, hạn chế đau lưng và bị cuốn vào những thứ khác như xem phim, chơi game...”, Lê Anh Tiến chia sẻ

Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội. Tại các khu vực nhà ăn, Samsung Việt Nam đã tiến hành lắp đặt vách ngăn giữa bàn ăn nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa các nhân viên trong khi ăn và bố trí giãn khoảng cách khi xếp hàng lấy đồ ăn giữa các nhân viên trong hàng. Trước khi lên xe bus đi làm, các nhân viên được kiểm tra nhiệt độ đồng thời được yêu cầu đứng cách nhau 2 mét khi xếp hàng lên xe.

Đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) cho biết, hiện nay toàn bộ cán bộ, lãnh đạo ở tổng công ty đã làm việc online. Ở văn phòng chỉ duy trì bộ phận trực. Các nhà máy vẫn duy trì sản xuất, song những biện pháp quản lý y tế vẫn được thực hiện.

Nỗ lực phòng dịch 

Thực hiện triệt để Chỉ thị 16, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương thành lập các tổ chủ động thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng”, theo phương châm phát hiện và cách ly. Duy trì tổ mỗi tổ tối thiểu 2 người, thành phần gồm công an (cảnh sát khu vực) và y tế cơ sở, đại diện của Mặt trận Tổ quốc, bí thư tổ chức Đảng, trưởng thôn khu phố. Mỗi tổ có nhiệm vụ lập danh sách theo dõi, sáng lọc chặt chẽ những ai có biểu hiện sốt, ho, khó thở, đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch, những người đến các cơ sở y tế, những người đang lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ; những đối tượng lang thang ngoài xã hội (nghiện ma túy; có tệ nạn xã hội) và báo ngay cho y tế cơ sở để kịp thời xử lý y tế. 

Về công tác điều trị, Bộ Y tế khuyến cáo tăng cường nâng cấp mức độ phòng chống bệnh dịch ngay từ cửa ra vào. Tại các cơ sở y tế, các bệnh nhân đến khám được phân luồng điều tra dịch tễ và xét nghiệm; khuyến cáo người dân ngoại trừ những trường hợp cấp cứu còn lại tái khám và khám bệnh thông thường nên sử dụng các dịch vụ hệ thống y tế cơ sở; đặc biệt khi đến thăm khám nên đặt lịch hẹn để thực hiện đúng tinh thần giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân khi khám bệnh.

Nhận định tầm quan trọng của giãn cách xã hội, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời gian giãn cách xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện. Bởi đây là biện pháp quan trọng để khống chế dịch COVID-19.

Bộ Y tế cảnh báo người dân không nên chủ quan khi thấy số ca mắc COVID-19 giảm trong những ngày gần đây. PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng cho rằng: Hiện còn quá sớm để đánh giá tình hình dịch. Mục tiêu của chúng ta là làm chậm thời gian xuất hiện dịch, từ đó làm chậm quá trình bùng phát dịch. Hiện Việt Nam đã làm mạnh nên dịch diễn biến chậm, đến giờ vẫn chưa bùng phát. Tuy nhiên, đây đang là giai đoạn thực sự quyết định phòng chống dịch COVID-19. Nếu không làm tốt giai đoạn này, dịch sẽ dễ bị bùng lên như ở các nước.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan: Sở bảo đảm cung ứng hàng hóa cho nhân dân. Sở đã phối hợp với các tỉnh, thành phố như Hải Dương, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La để bảo đảm nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả dồi dào. Đối với mặt hàng gạo, riêng Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đăng ký dự trữ được 500.000 tấn. Người dân hoàn toàn yên tâm với nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm.
Ông Trần Hoài Linh, Đội phó Đội Thanh tra Giao thông Vận tải đường bộ Hà Nội: Trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng thanh tra nhắc nhở, tuyên truyền các chủ doanh nghiệp, lái xe taxi, xe khách, xe công nghệ thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch. Với những trường hợp cố tình vi phạm, chúng tôi xử lý nghiêm.
Xuân Cường - Thu Trang - Tạ Nguyên
Đề nghị Công an vào cuộc xử lý trang facebook mạo danh BHXH Bình Dương
Đề nghị Công an vào cuộc xử lý trang facebook mạo danh BHXH Bình Dương

Trong hai ngày gần đây, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin xấu, giả mạo, nhằm thu mua sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động (NLĐ) để trục lợi. Tại tỉnh Bình Dương các đối tượng đã lập trang Facebook mạo danh BHXH tỉnh Bình Dương để rao mua sổ BHXH.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN