Chia sẻ khó khăn Hài hòa lợi ích

1. Ở xứ dừa đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra tình trạng trớ trêu: Người nông dân phải nộp thuế thay cho… doanh nghiệp.

Số là, theo Thông tư số 46/2011/TT - BTC của Bộ Tài chính, từ 20/5/2011, doanh nghiệp xuất khẩu dừa trái phải chịu thuế suất thuế xuất khẩu 3% (trước đó là 0%). Mục đích của việc đánh thuế này là nhằm hạn chế xuất khẩu dừa nguyên liệu quá nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến trong nước. Tuy nhiên, thay vì việc lấy tiền của mình để nộp thuế, các doanh nghiệp xuất khẩu lại giảm giá khi đặt hàng cho thương lái; và đến lượt mình, khi thu mua dừa của nông dân, thương lái lại giảm giá đúng bằng… số tiền thuế 3% mà doanh nghiệp đã… “khấu trừ”. Thế là cuối cùng, nông dân lại là người phải nộp thuế… xuất khẩu.

2. Từ đầu năm đến nay, mới chưa đầy 5 tháng mà giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 7 lần và hiện đứng ở mức cao nhất từ trước đến nay. Lý do tăng giá được các doanh nghiệp đưa ra là giá nguyên liệu (chủ yếu là nhập khẩu) tăng. Đầu vào tăng thì đầu ra tăng, nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, nếu chịu khó suy nghĩ một chút thì người ta không khó để nhận ra một điều: Mỗi khi xảy ra tình huống bất lợi, hình như các doanh nghiệp cuối cùng đều tìm cách… đổ vào đầu nông dân, mà hai ví dụ trên đây là một minh chứng.

3. Dừa là cây lâu năm nên không thể một lúc chỉ vì thay đổi giá mà bà con phá bỏ được. Nhưng chăn nuôi lợn thì đồng vốn xoay vòng hằng quý, thậm chí hằng tháng; vì vậy khi bất lợi xảy ra, người nông dân lập tức phải tính toán và điều chỉnh lại việc chăn nuôi của mình. Bằng chứng là sau khi giá thức ăn chăn nuôi bị đẩy lên liên tục như thế, nhận thấy đồng tiền lãi chẳng còn là bao, không ít nơi người nông dân đã giảm đàn lợn của mình.

4. Đàn lợn giảm, đương nhiên nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường sẽ giảm; chẳng thế mà vừa qua đã có tin đồn là có thể nước ta sẽ phải nhập khẩu… 100.000 tấn thịt lợn. Nhưng đàn lợn giảm cũng đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi bị thu hẹp. Thị trường tiêu thụ thu hẹp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Như vậy, việc doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm tưởng là lối thoát để bảo vệ mình trước sự tăng giá chung nhưng hóa ra lại chính doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả.

5. Vẫn biết chi phí tăng thì phải tìm cách giảm chi, đầu vào tăng thì đầu ra phải tăng. Nhưng điều đó không có nghĩa là dồn hết khó khăn cho người người nông dân như hai trường hợp trên. Nên nhớ: Lợi ích của đối tác chính là lợi ích của mình. Nếu không có nông dân cung cấp nguyên liệu thì doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lấy gì để hoạt động. Và nếu không có nông dân tiêu thụ thì doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi sản xuất ra bán cho ai. Vì vậy, cách xử lý thông minh nhất mỗi khi có tình huống bất lợi xảy ra là các doanh nghiệp phải biết san sẻ khó khăn và giải quyết hài hòa lợi ích của các bên.

Đó không những là cách ứng xử khôn ngoan mà còn là văn hóa kinh doanh và là điều kiện bảo đảm cho sự phát triển bền vững của từng cá nhân, doanh nghiệp và xã hội nói chung.

Tuệ Duyên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN