Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…

Thành ủy Hà Nội tổ chức tổng kết Chương trình 04-CTr/TU về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015" (Chương trình 04). Có rất nhiều nội dung của Chương trình được dư luận chú ý, trong đó có nội dung phát triển văn hóa Thủ đô trong thời kỳ hội nhập với quốc tế, trên cơ sở kế thừa truyền thống của Thủ đô ngàn năm tuổi.


Trong số rất nhiều nội dung của Chương trình 04, thì nội dung "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" được lãnh đạo thành phố quan tâm hơn cả. Cũng dễ hiểu khi thành phố đã giao các sở chuyên ngành, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong đời sống xã hội. Đáng chú ý, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội được thành phố giao xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư”, nhắm tới cái đích là giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam, giữ gìn nét thanh lịch của người Tràng An. Không những thế, đây cũng là việc làm nhằm khuyến khích những hành vi văn minh, lịch sự, đồng thời tạo ra “bộ khung” để những hành vi lệch chuẩn, tức là đi ngược với quy tắc ứng xử - sẽ phải chịu chế tài trong tương lai.


Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, cũng là nơi tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại trong thời kỳ mở cửa, hội nhập. Bởi vậy, không ít người phiền lòng khi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong nhiều lĩnh vực của đời sống thường nhật, đang có chiều hướng tăng. Lịch sử thủ đô Hà Nội về cơ bản là lịch sử của đất nước thu nhỏ. Văn hóa của Thủ đô về căn bản cũng là văn hóa quốc gia kết tinh lại với những đặc trưng về đạo đức, nếp sống, phong tục tập quán. Tuy nhiên, bên cạnh tinh hoa người Hà Nội thu nhận được, đã xuất hiện những mặt trái của văn hóa đi kèm như một hệ quả của quá trình hội nhập, mở cửa. Một Hà Nội kinh kỳ, thanh lịch hiện đang tồn tại rất nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Các chuẩn mực về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của người Tràng An đang mất dần. Thay vào đó là lối sống xô bồ, thiếu văn hóa, nhất là ở giới trẻ. Văn hóa ứng xử trong cộng đồng, các cơ quan, tổ chức và cá nhân cũng bị phai nhạt. Ngoài đường phố, người ta thả sức xả bậy, vứt rác bừa bãi, coi hè phố như của riêng mình. Đâu đó xuất hiện lối sống vô cảm, thiếu tình thương, trách nhiệm vốn từ xưa đã trở thành nét đẹp đặc trưng của người Hà Nội.


Việc Hà Nội tổ chức tổng kết Chương trình 04 một lần nữa để thành phố nhìn nhận rõ hơn thực trạng về văn hóa ứng xử của cư dân Hà Nội đang rất báo động. Ở cơ quan công quyền, người ta hách dịch, hất hàm, nói trống không với khách lớn tuổi. Văn hóa phục vụ khách hàng đã bị biến đổi, không còn giữ được những nét đẹp vốn có của người Hà Nội xưa. Vấn nạn “chặt chém”, lừa đảo khách, “đong lừa, cân điêu, bán thiếu”, bán hàng kém chất lượng nhan nhản. Đáng báo động, trong cuộc khảo sát thực trạng văn hóa ứng xử tại trường học gần đây do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành Giáo dục Đào tạo của thành phố thực hiện cho thấy, có từ 50 đến 70% lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo, cán bộ quản lý và nhân viên, học sinh, sinh viên... có hành vi ứng xử không phù hợp.


Vấn đề đặt ra sau gần 5 năm thực hiện Chương trình 04 là phải làm thế nào để những công dân Thủ đô và những người đến sống và làm việc tại Thủ đô nhận thức được rằng: Ở mọi nơi, mọi lúc, vấn đề giao tiếp, ứng xử, giải quyết các công việc phải luôn tôn trọng pháp luật, có thái độ chia sẻ mình vì mọi người, mọi người vì mình.

Yến Nhi
Kỳ vọng vào sự đổi mới
Kỳ vọng vào sự đổi mới

Đến thời điểm này, có thể lạc quan nhìn nhận, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2015 diễn ra đúng như mong đợi, kỳ thi mở ra một mốc mới về đổi mới toàn diện và triệt để đối với sự nghiệp giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN