Nhiều nước trong khu vực như Venezuela hay Bolivia đang đối mặt với những kịch bản quen thuộc: Phe đối lập lợi dụng chiêu bài dân chủ-nhân quyền để kích động một bộ phận dân chúng xuống đường biểu tình, gây sức ép nhằm vào các nhà lãnh đạo dân cử. Tại Bolivia, sức ép của phe đối lập đã buộc Tổng thống cánh tả Evo Morales phải từ bỏ quyền lực và rời đất nước sang Mexico lánh nạn. Ông Morales lên án đây là cuộc đảo chính nhằm lật đổ một tổng thống hợp pháp, đẩy quốc gia Nam Mỹ này vào một vòng xoáy khủng hoảng chính trị.
Bản chất của dân chủ giả hiệu là lừa gạt và lợi dụng nhân dân để chống phá chính quyền và đạt được các toan tính chính trị. “Chiếc bánh vẽ dân chủ” vì thế cũng sẽ nhanh chóng được nhận ra, trường hợp của Syria là một ví dụ. Sau 8 năm xuống đường biểu tình đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, những gì người dân Syria chứng kiến hiện nay là một đất nước điêu tàn, bị xé nát bởi khủng bố và chiến tranh.
Âm mưu của những kẻ dân chủ giả hiệu tại Syria nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã khiến trên 500.000 người thiệt mạng, khoảng 2,7 triệu người phải rời bỏ quê hương, nguồn tài nguyên dầu mỏ bị nước ngoài xâu xé. Trước chiến tranh, Syria là một trong những nước thịnh vượng nhất Trung Đông, người dân có đời sống ở mức cao và được hưởng chế độ an sinh xã hội gần như hoàn toàn miễn phí. Giờ đây, Syria còn lại gì??? Liệu người dân Syria có tiếc nuối, có ân hận khi nhận ra sự thật này???
Việt Nam từ lâu cũng đã bị thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng và Nhà nước. Trong nhiều năm, các lực lượng phản động, trong đó có tổ chức khủng bố Việt Tân, liên tục tiến hành những hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Không khó để bóc trần học thuyết “dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây” là nhằm loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xóa bỏ Chủ nghĩa Xã hội.
Phương thức hành động của những phần tử “dân chủ giả hiệu” là xuyên tạc, tung tin thất thiệt hòng kích động tâm lý bất mãn trong một bộ phận nhân dân, hướng tới phát động biểu tình, bạo động, tiến hành khủng bố, phá hoại ở Việt Nam, sau đó chuyển sang phương thức đấu tranh bất bạo động hiện đại, bản chất là kết hợp giữa “đấu tranh bất bạo động” với “bạo lực cục bộ địa phương”.
Thời gian qua, nhiều vụ việc cho thấy tổ chức khủng bố Việt Tân đã lợi dụng triệt để sự phát triển của Internet, nhất là mạng xã hội, để tuyên truyền, công kích, lôi kéo người dân tham gia các hội, nhóm trá hình trên không gian mạng. Lực lượng phản động thường sử dụng danh nghĩa phản biện xã hội, đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, xây dựng xã hội dân sự, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ... song thực chất là để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Một âm mưu nham hiểm nữa của chúng là tung hô luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền” hòng tạo cái cớ để nước ngoài can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Việt Nam.
Thế lực thù địch đã cố tình nhắm mắt làm ngơ trước những thành tựu to lớn về dân chủ, nhân quyền mà Việt Nam đạt được trong những năm qua. Hiến pháp Việt Nam dành hẳn Chương II với 36 điều hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việt Nam cũng tích cực tham gia các Hội nghị cấp cao về quyền con người, như Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 2 tại Tokyo (Nhật Bản); Hội nghị cấp cao khóa 34 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneve (Thụy Sĩ). Việt Nam chính là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em…
Với sự cảnh giác cao độ, lực lượng chức năng Việt Nam đã không ít lần ngăn chặn kịp thời các hành vi chống phá, đưa nhiều đối tượng khủng bố ra đối mặt với công lý. Mới đây nhất, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/11 đã đưa các bị cáo là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân ra xét xử sơ thẩm. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Châu Văn Khảm (sinh năm 1949, Việt kiều ở Australia) 12 năm tù; Nguyễn Văn Viễn (sinh năm 1971, quê ở Quảng Nam, trú tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) 11 năm tù và Trần Văn Quyền (sinh năm 1999, quê ở Hà Tĩnh, trú tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) 10 năm tù, cùng về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113, Bộ luật Hình sự 2015. Các bản án này là lời tuyên bố đanh thép, là hồi chuông cảnh tỉnh rằng mọi hành động phá hoại chính quyền nhân dân, chống lại đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật.
Dân chủ-nhân quyền là giá trị nhân văn cao cả mà nhân loại luôn mong đợi và hướng tới dân chủ chính là hướng tới một xã hội tốt đẹp lấy quyền con người làm gốc. Tuy nhiên, dân chủ-nhân quyền đôi khi cũng bị lợi dụng như là một chiêu trò nhằm đạt được các toan tính chính trị. Có thể nói rằng dân chủ-nhân quyền là chiêu bài cũ rích, không có gì mới, song vẫn đang khiến nhiều quốc gia điêu đứng. Về bản chất, đó chính là hành động diễn biến hòa bình của những phần tử núp bóng dân chủ nhằm gây sức ép buộc lãnh đạo nhà nước phải nhượng bộ, phải thay đổi đường lối chính sách và thậm chí nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Bịa đặt và thổi phồng một vấn đề nhức nhối nhỏ trong xã hội, các phần tử “dân chủ giả hiệu” kích động người dân đình công, biểu tình và bạo động. Điểm tựu chung dễ nhận thấy là bọn chúng đặc biệt tập trung khai thác yếu tố dồn nén tâm lý và sự khó khăn về đời sống tinh thần, vật chất, hay mâu thuẫn sắc tộc của người dân để dựng lên tư tưởng bất mãn và chống đối chính quyền.
Thực tiễn hơn 70 năm phát triển của Cách mạng Việt Nam đã chỉ ra rằng Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới việc thúc đẩy dân chủ, nhân quyền. Và chính vì thường xuyên chăm lo tới đời sống, quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân, Đảng ta đã tập hợp được sức mạnh toàn dân, khối đoàn kết toàn dân.
Trong chủ trương đường lối của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao yếu tố “lấy dân làm gốc”, gắn lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích của nhân dân. Đó chính nền tảng để, là cơ sở để Đảng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và vững bước trên con đường đã chọn.