Khi trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/11/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/11/2019 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Về vấn đề này, phía Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Thực tế lịch sử cho thấy rõ điều này”.
Bác bỏ các nội dung mà Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố cuối tuần qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Điều kỳ quặc là như “bỏ ngoài tai” sự thật lịch sử đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã có những phát biểu “đổi trắng thay đen” khi cáo buộc Việt Nam xâm chiếm các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Có thể nói, dã tâm biến những vùng không tranh chấp thành có tranh chấp của Trung Quốc đang ngày càng hiện rõ. Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của ngư dân Việt Nam; những bằng chứng lịch sử và pháp lý cho thấy các nhà nước Việt Nam đã quản lý, khẳng định chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo này ít nhất là từ thời nhà Nguyễn.
Trước đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 08 cùng nhóm tàu hộ tống khảo sát trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 vừa qua. Căn cứ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, khu vực mà Trung Quốc đưa tàu vào hoạt động hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này.
Rõ ràng đã có sự leo thang xâm phạm khi những khu vực chưa từng có tranh chấp, vốn là quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam nay “bỗng dưng” Trung Quốc lại yêu cầu Việt Nam phải “đối thoại và tham vấn”. Các chuyên gia quốc tế đã gọi đây là chiến thuật "vùng xám" liên tục được Trung Quốc thử nghiệm và điều chỉnh khi đưa ra các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, từ năm 2006 đến nay. Mục đích của chiến thuật này là nhằm thay đổi hiện trạng, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp.
“Nhìn thẳng vào sự thật lịch sử”, “tránh áp dụng các hành động có thể gây phức tạp, quấy nhiễu hòa bình ổn định của Biển Đông”… là điều mà ông Cảnh Sảng nói Trung Quốc “hy vọng từ phía Việt Nam”. Lời nói này của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới hoàn toàn đi ngược lại với sự thật lịch sử và căn cứ pháp lý. Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế không có lợi cho quan hệ hai nước.
Đáng chú ý nữa là phát ngôn của ông Cảnh Sảng lại được đưa ra trong bối cảnh mà như hãng tin Reuters nêu là “khi được hỏi về phát biểu của một quan chức cấp cao Việt Nam tại một hội thảo về Biển Đông ở Hà Nội ngày 6/11 rằng Việt Nam ưu tiên đàm phán, song vẫn có các lựa chọn khác đối với tuyến đường biển có tranh chấp này, trong đó có hành động pháp lý”. Vậy là Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lo ngại đuối lý nên khi phóng viên đặt vấn đề giải quyết tranh chấp bằng con đường pháp lý thì ông ta lại cho rằng đây là “hành động có thể gây phức tạp”. Ông Cảnh Sảng lại một lần nữa mâu thuẫn với chính mình khi “quên” rằng luật pháp là đại diện cho lẽ phải, không thể cứ “la làng” mà lấn át được những quy định của luật pháp quốc tế.