Cận Tết lo thực phẩm “bẩn”

Những ngày gần đây, các cơ quan thông tin đại chúng liên tục đưa tin về một loạt vụ vận chuyển thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc được các cơ quan chức năng phát hiện. Mới nhất, ngày 5/1, quản lý thị trường Hà Nội phát hiện hơn 1 tấn thịt động vật bốc mùi hôi thối được vận chuyển từ Bắc Giang vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Cùng thời điểm, Công an Hà Tĩnh phát hiện một xe khách chở 1 tấn lòng lợn thối vào các tỉnh phía Nam... Thông tin trên khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng, nhất là vào thời điểm Tết Giáp Ngọ đang cận kề.


Thời gian gần đây, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tuồn ra thị trường đã gây bức xúc trong dư luận xã hội và trở thành thách thức lớn đối với các nhà quản lý. Sau khi tình trạng buôn bán tràn lan gà loại thải nhập lậu từ Trung Quốc cơ bản được ngăn chặn, thì người tiêu dùng lại rúng động trước vấn đề melamin trong sữa nhập khẩu; rồi vụ sử dụng phẩm màu công nghiệp rhodamine B để nhuộm hạt dưa, ớt bột; các mặt hàng nước uống, sirô, thạch rau câu chứa phẩm màu công nghiệp DEHP để làm chất tạo đục; vụ cốm nhuộm phẩm màu hay vụ hơn chục xe tải nước ngọt mà thành phần chỉ là nước lã pha đường hóa học, hóa chất tạo màu, mùi (thậm chí có chất gây ung thư)… Mới đây, các cơ quan chức năng còn phát hiện một số vụ nước tương có độc; orange II được sử dụng để nhuộm thịt quay và thịt xá xíu; hóa chất tăng trọng bị cấm (clenbuterol và salbutamol, ractopamin) được sử dụng tạo thịt siêu nạc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm...


Thực phẩm bẩn (trong đó có thịt lợn) vẫn hằng ngày len lỏi vào bữa ăn của từng gia đình, từng bếp ăn tập thể của học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mặc dù liên tiếp bị triệt phá, nhưng do lợi nhuận cao, nên nhiều lò “luyện” thịt thối vẫn tồn tại, đầu độc người tiêu dùng.


Những vụ việc bị phát hiện mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi trên thực tế việc sử dụng, kinh doanh thực phẩm bẩn đang là nguy cơ có thực và hậu quả của nó thật khó lường. Chuyện những con lợn chết cùng nhiều loại thực phẩm bẩn được tiêu thụ công khai trên thị trường đã cho thấy không những kỷ cương bị coi nhẹ, mà đằng sau đó là những hệ lụy khôn lường đối với cộng đồng. Theo thống kê của ngành y tế, bình quân mỗi năm nước ta có khoảng 9 triệu người bị ảnh hưởng từ ngộ độc thực phẩm và ngân sách nhà nước phải chi khoảng 14.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.


Chống thực phẩm bẩn không chỉ là trách nhiệm của các bộ chức năng (Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công Thương), mà là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý; đặc biệt cần phải có biện pháp mạnh tay đối với những chủ hàng, đầu mối vì lợi nhuận mà coi thường kỷ cương, coi thường sức khỏe của cộng đồng.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN