Buộc tội Syria, sao Mỹ không sờ lên gáy mình?

Lý do duy nhất mà chính quyền Mỹ bám vào để biện minh cho hành động quân sự họ dự định tiến hành chống Syria là vụ tấn công bị cáo buộc có sử dụng vũ khí hóa học xảy ra tại Ghouta ở phía đông thủ đô Damascus hôm 21/8/2013.


Mỹ đã tập trung những nỗ lực không nhỏ, từ hoạt động của các cơ quan tình báo đến các chiến dịch truyền thông ầm ĩ, rồi phát biểu của các nhân vật chóp bu trong chính quyền như Tổng thống Barack Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry mà mục tiêu chung là nhằm cáo buộc chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công được coi là có sử dụng vũ khí hóa học nói trên.


Trong khi các thanh sát viên Liên hiệp quốc chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vụ này thì ông John Kerry, theo Đài BBC, đã dẫn kết quả điều tra của tình báo Hoa Kỳ khẳng định “Syria đã sử dụng vũ khí hóa học làm 1.429 người chết, trong đó có 426 trẻ em”. Ngoại trưởng Hoa Kỳ thậm chí còn nói Washington có bằng chứng rằng chất độc sarin đã được sử dụng trong đợt tấn công gây chết người ở ngoại ô Damascus. Trong khi đó, Phó Tổng thống Joe Biden cũng cáo buộc rằng "không có nghi ngờ gì" là chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học và phải chịu trách nhiệm về việc này.


Còn Tổng thống Barack Obama, ngoài việc trao đổi gần 100 cuộc điện thoại với lãnh đạo nhiều nước trên thế giới xung quanh vụ này, đã đưa ra những tuyên bố đại loại như “chúng ta không thể và sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước những gì đã xảy ra ở Damascus”, đây là “một thách thức đối với thế giới” và là sự xâm phạm “lợi ích an ninh quốc phòng” của Hoa Kỳ, “chúng ta không thể chấp nhận một thế giới nơi mà phụ nữ, trẻ em và những thường dân vô tội có thể bị đầu độc ở một quy mô kinh khủng như vậy” và “thế giới có trách nhiệm bảo đảm các tiêu chuẩn chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học” v.v. và v.v. .


Lẽ tất nhiên, việc sử dụng vũ khí hóa học để giết người phải bị lên án.


Chỉ có điều, Mỹ lại không chịu sờ lên gáy mình khi tìm mọi cách buộc tội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.


Trong cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam trước đây, quân đội Mỹ đã rải hàng chục triệu lít chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam. Hậu quả là môi trường sống bị hủy diệt và hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm với loại hóa chất độc này mà di chứng truyền từ đời cha sang đời con, đời ông sang đời cháu, khiến mấy thế hệ người thuộc hàng vạn gia đình Việt Nam ra đời sau chiến tranh phải chịu thảm cảnh dị dạng và dị tật suốt đời. Đã mấy chục năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam thuộc nhiều thế hệ ở Việt Nam vẫn đang quằn quại trong đau đớn tột cùng, cả tinh thần và thể chất, và họ vẫn đang đòi công lý. Vậy mà chính quyền Mỹ, qua nhiều đời tổng thống, vẫn cố tình phủi bỏ mọi trách nhiệm, không thừa nhận họ là nạn nhân của chất độc da cam mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh trước đây.


Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ “không thể và sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước những gì đã xảy ra ở Damascus”, vậy tại sao Mỹ lại nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau của hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam do chính Mỹ gây ra ở Việt Nam?


Cả pháp lý và đạo lý vẫn đang đòi Mỹ phải trả lại công lý và công bằng cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.


Mỹ hãy nhìn lại chính mình, nhận lấy trách nhiệm về hậu quả chất độc da cam mà họ đã sử dụng ở Việt Nam.


Như thế mới công bằng.



Nguyễn Quốc Uy

Nạn nhân da cam Việt Nam qua ống kính Mỹ
Nạn nhân da cam Việt Nam qua ống kính Mỹ

Được truyền cảm hứng qua những lời kể của người chú vốn là một cựu binh tham chiến tại Việt Nam, nhiếp ảnh gia người Mỹ Brian Dricscoll đã vượt qua khoảng cách địa lý xa xôi tìm đến dải đất hình chữ S để tận mắt thấy những mảnh đời đang vật lộn vì di chứng chất độc màu da cam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN