Bất cập bảo tồn di sản

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2011, dù tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, thế nhưng công tác quản lý di sản Thành nhà Hồ hiện vẫn tồn tại không ít bất cập. Những ngày gần đây, nhiều tờ báo phản ánh tình trạng người dân địa phương canh tác, sản xuất lúa và hoa màu ngay trong khu vực bảo vệ đặc biệt của di sản. Tình trạng trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kiến trúc khảo cổ của một di sản thế giới.


Có một bất hợp lý tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết, đó là sự mâu thuẫn giữa một số quy định của Luật Di sản văn hóa với một số quy định pháp luật khác. Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, sở dĩ việc quản lý di sản này mới chỉ phát huy hiệu quả ở công tác nghiên cứu, còn các lĩnh vực khác hiện vẫn gặp nhiều khó khăn là xuất phát từ lý do này. Theo Luật Di sản Văn hóa và Quy chế quản lý bảo vệ của di sản Thành nhà Hồ, thì khu vực 1 của di sản này là vùng bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, do thiếu thống nhất trong các quy định pháp luật, dẫn tới cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa khó lòng xử lý vi phạm. Thực tế, hiện có trên 140 ha của di tích Thành nội hiện vẫn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương.

Vướng mắc ở đây là Trung tâm Bảo tồn chỉ có thể áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định của Luật Di sản, trong khi các hoạt động dân sinh lại dựa trên các quy định của Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Đơn cử, các hộ dân tại khu vực của di tích có “sổ đỏ”, thì họ có quyền sử dụng đất đai và xây dựng nhà ở (dưới ba tầng) không cần phải xin giấy phép. Vậy là cứ mạnh ai nấy làm, khiến công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn di sản Thành nhà Hồ vẫn trong cái vòng luẩn quẩn.


Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cảnh báo, việc người dân địa phương canh tác nông nghiệp trong khu vực bảo vệ đặc biệt đã làm bật lộ các kiến trúc dưới đất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới di sản. Còn theo Ban quản lý di sản Thành nhà Hồ, họ không có đủ quyền hạn để xử lý các vi phạm như vậy. Hậu quả, di sản Thành nhà Hồ vẫn tiếp tục bị xâm phạm trong sự bất lực của chính quyền sở tại cũng như các cơ quan chức năng.


Vẫn biết cuộc sống của cộng đồng dân cư sống trong di tích chính là một phần quan trọng của di tích, chính nó tạo nên những đặc trưng riêng có và bản sắc không thể thay thế của di tích. Thế nhưng, nếu đặt quyền lợi dân sinh lên hàng đầu, mà quên đi yếu tố gốc của di tích thì cũng không thể chấp nhận được. Một số chuyên gia thuộc lĩnh vực bảo tồn bảo tàng cho rằng, sẽ hợp lý hơn nếu cộng đồng dân cư vẫn làm kinh tế trên mảnh đất của mình và chính họ tham gia bảo tồn di sản ấy trong sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp quản lý và các chuyên gia bảo tồn.

Nhưng cái khó hiện nay, phải làm thế nào để các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di tích không được ảnh hưởng, cản trở cuộc sống thường nhật của họ. Những nhu cầu chính đáng của người dân sống trong di tích cần phải được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Thế nên, cách bảo tồn di sản hiệu quả nhất chính là việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải tỷ lệ thuận với phát triển cuộc sống hằng ngày của người dân nơi có di sản.


Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc bảo tồn di sản sẽ mang lại hiệu quả như mong muốn khi công tác bảo tồn tiếp cận theo hướng vừa nêu. Hay nói cách khác, tính nhân văn của hoạt động bảo tồn di sản cần được quan tâm đúng mức.


Yến Nhi

Thanh Hóa hút khách du lịch đến Thành nhà Hồ
Thanh Hóa hút khách du lịch đến Thành nhà Hồ

Nhằm đẩy mạnh quảng bá du lịch, kết nối các điểm tham quan di sản thế giới Thành Nhà Hồ và các điểm du lịch trong tỉnh Thanh Hóa, trong 2 ngày 29 và 30/4, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thành nhà Hồ tổ chức Hội nghị giới thiệu các điểm đến tham quan của quần thể di sản này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN