Bảo tồn di tích

Bảo tồn di tích là một công việc hết sức quan trọng không chỉ với đương đại mà còn có ý nghĩa với các thế hệ mai sau. Nhưng vấn đề bất cập là trong việc trùng tu các di tích đã làm mai một đi ý nghĩa bảo tồn, mà thay vào đó là người ta đang làm mới, thậm chí như “xây dựng lại” di tích. Nhiều di tích sau khi được trùng tu đã không còn gì là di tích nữa mà giống như công trình mới xây dựng. Rất nhiều công trình trùng tu lớn đã lâm vào tình trạng này; chẳng hạn như thành cổ Sơn Tây, Ô Quan Chưởng; và nhất là các cổng làng cổ cũng như nhiều công trình ở đình, chùa ở đồng bằng Bắc bộ đã và đang bị làm mới một cách rất hoành tráng.

Trước tình trạng trùng tu như vậy, các nhà khoa học, các chuyên gia về bảo tồn di tích đã lên tiếng cảnh báo về sự mất mát các giá trị độc nhất vô nhị của các di tích; đặc biệt là đối với các di tích văn hoá, lịch sử.

Ai đã từng một lần lên thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa đều có một cảm giác rằng, những hiện vật hay là thực địa hiện nay khác xa với những gì mà sử sách đã ghi. Hầm chỉ huy của Tướng Đờ Cát đã được bê tông hóa và được bảo vệ bằng hàng rào thép gai. Đồi A1 đứng trơ trọi giữa không gian phố xá. Thực địa chiến trường Điện Biên Phủ đã thay bằng những khu phố sầm uất, khiến chúng ta không thể hình dung ra toàn bộ chiến trường Điện Biên Phủ, ngoại trù nhìn trên sa bàn. Vì thế người đến thăm không thể hiểu được những gian khổ hy sinh của bộ đội và nhân dân ta cũng như tài chỉ huy kiệt xuất của Bộ Chỉ huy chiến dịch. Dù muốn học bài học lịch sử thông qua những di tích lịch sử của Điện Biên Phủ thì cũng rất khó khăn cho hậu thế.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể bảo tồn di tích một cách hiệu quả, vừa không làm biến dạng các di tích lại bảo tồn được di tích lâu dài?

Trước hết cần phải có qui hoạch bảo tồn di tích. Với Di tích Chiến dịch Điện Biên Phủ nếu chúng ta có qui hoạch tốt thì có thể giữ nguyên vẹn toàn bộ hoặc là những khu di tích quan trọng để hậu thế chỉ qua thực địa cũng có thể hình dung ra chiến trường. Điển hình về qui hoạch bảo tồn di tích phải kể đến Khu Di tích Lịch sử Trung ương cục miền Nam, Khu Di tích Bộ Chỉ huy Miền trong kháng chiến chống Mỹ. Khu Di tích được bảo tồn khá công phu, vẫn giữ được các cánh rừng, những con đường mòn, những căn hầm, những căn nhà lợp lá trung quân của các vị lãnh đạo trong căn cứ; giúp người xem không chỉ hình dung ra qui mô của khu căn cứ mà còn như được sống lại không khí của những năm chiến tranh; cảm nhận được cuộc sống của khu căn cứ thời đó.

Việc quan trọng nữa, là khi bảo tồn di tích phải đặt kiến thức và tay nghề lên hàng đầu. Không có kiến thức sẽ dẫn đến việc trùng tu, tôn tạo một cách méo mó, khiến cho di tích mất đi giá trị thời đại của nó. Việc những người thực hiện trùng tu không có tay nghhề giỏi cũng là một nguyên nhân dẫn đến những việc làm tùy tiện, làm mất đi cái hồn cốt của di tích. Thực tế cho thấy, ở nhiều làng có những người làm ăn khá giả đã mang tiền về xây dựng cổng làng mới cho thật to đẹp. Thế là họ phá luôn cổng làng cũ hàng trăm năm để xây cổng làng mới cho tương xứng với con đường mới mở rộng; như vậy cũng đồng nghĩa với việc xóa bỏ một phần ký ức của làng. Trong khi đó, có người bỏ ra gần cả đời để nghiên cứu tìm ra các loại gạch, ngói; chẳng hạn như gạch Chăm để trùng tu Tháp Chàm.

Rõ ràng là để bảo tồn các di tích phải là tổng thành của kiến thức, lòng đam mê, tâm huyết, trình độ tay nghề. Rằng, dù đã có kinh phí đầu tư một cách thoả đáng cũng không thể giao việc triển khai trùng tu di tích cho những người thiếu hiểu biết và không có tay nghề giỏi.

Nguyễn Quang Vinh`

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN