Ngày 20/8 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ký quyết định truy nã đối tượng Trần Khắc Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, trường Đại học Đông Đô. Trần Khắc Hùng bị khởi tố với tội danh "Giả mạo trong công tác", quy định tại điều 359, bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, cũng với tội danh này, các đối tượng Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô, Trần Ngọc Quang - Phó trưởng Phòng đào tạo và quản lý sinh viên, đã bị tạm giam; Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương - cán bộ Trường ĐH Đông Đô, đã bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan công an cũng đã khám xét chỗ ở và làm việc của các đối tượng trên.
Tội danh “Giả mạo trong công tác” của tất cả các đối tượng trên đều liên quan đến sai phạm về đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh của trường ĐH Đông Đô.
Cụ thể, theo thông tin từ Bộ GD - ĐT, Bộ chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị nào liên quan đến việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô. Điều này đồng nghĩa với việc, Bộ chưa có văn bản cho phép trường này được đào tạo văn bằng 2. Đại diện Bộ cũng cho biết thêm, theo Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT, quy định về đào tạo để cấp văn bằng 2, việc đào tạo này chỉ được thực hiện ở những cơ sở được sự cho phép của Bộ GD - ĐT với những ngành đã được đào tạo hệ chính quy, sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp.
Không có giấy phép, thế nhưng, những năm qua, đã có gần một ngàn sinh viên tham gia các lớp đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh của ĐH Đông Đô và có khoảng hơn 700 bằng tốt nghiệp đã được trao!
Tội danh đã xác lập.Việc xử lý với sai phạm của các cá nhân tại trường ĐH Đông Đô đang được cơ quan chức năng thực hiện theo đúng quy trình. Chắc chắn, các đối tượng này sẽ phải nhận hình phạt thích đáng với tội trạng, cũng như những sai phạm, hậu quả mà họ đã gây ra.
Chuyện còn lại là, những tấm bằng tốt nghiệp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh mà trường ĐH Đông Đô đã cấp ra trong suốt thời gian qua sẽ được xử lý như thế nào? Những người nhận bằng để có được công việc, vị trí công tác, học hàm, học vị… sẽ ra sao?
Như báo chí đã thông tin, trong số 27 nghiên cứu sinh trúng tuyển năm 2019 tại Học viện Khoa học Xã hội, đã có 7 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của trường ĐH Đông Đô.
Sau khi vụ việc của trường ĐH Đôn g Đô được phanh phui, Học viện Khoa học Xã hội đã báo cáo Bộ GD - ĐT về kết quả xét tuyển nghiên cứu sinh đợt 1 của Học viện, đồng thời xin ý kiến của Bộ về những trường hợp thí sinh dùng văn bằng 2 tiếng Anh của ĐH Đông Đô để xét tuyển. Tuy nhiên, đến nay, Học viện vẫn chưa nhận được phản hồi của Bộ GD - ĐT. Theo đại diện Học viện: Văn bằng 2 tiếng Anh của những trường hợp nghiên cứu sinh nộp để xét tuyển hoàn toàn là bằng thật, phôi thật của Bộ GD - ĐT. “Họ học thật và được cấp bằng thật. Bởi vậy, chúng tôi không có lý do gì để từ chối. Nếu chúng tôi từ chối, họ có thể kiện”, đại diện này nhấn mạnh. Bởi vậy, theo đại diện nay, khi chưa có ý kiến của Bộ GD - ĐT, những trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh để xét tuyển đầu vào nghiên cứu sinh đợt 1 của Học viện vẫn được công nhận kết quả.
Đó chỉ là những trường hợp “nóng hổi” nhất sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của trường ĐH Đông Đô để dự thi, xét tuyển cho học vị cao hơn, cũng tương đương với những uy tín, vị thế lớn hơn trong xã hội, trong công việc, trong lĩnh vực hoạt động của mình. Không thể cực đoan mà nói rằng họ không xứng đáng, bởi để có tấm bằng này, có thể họ cũng vẫn phải học tập, thi cử nghiêm túc, cũng phải tốn công, tốn của… chỉ là, họ đã không may mà chọn phải một cơ sở đào tạo gian dối.
Vậy, nếu hủy bỏ giá trị của tấm bằng, cũng có nghĩa là mang lại những thiệt thòi cho họ. Ví như với 7 trường hợp trên, rõ ràng họ sẽ mất cơ hội để trở thành nghiên cứu sinh. Nhưng, nếu không hủy bỏ giá trị của tấm bằng, thì có nghĩa là chúng ta đang dung túng cho tấm bằng “chui”. Ở đây, lại nảy sinh ra một điều cũng đáng bàn nữa, vì sao ĐH Đông Đô không được phép đào tạo, mà vẫn có văn bằng là bằng thật, phôi thật của Bộ GD - ĐT? Kẽ hở nào trong vấn đề này mà chúng ta còn chưa phanh phui ra?
Còn trong trường hợp, những tấm bằng thật ra được đào tạo chớp nhoáng, “cho có”, chỉ trong 1 - 2 ngày học và sau 3 - 6 tháng nộp hồ sơ , hoàn toàn không thực chất như nhiều thông tin trên báo chí, mạng xã hội thời gian qua; thì hậu quả và sự nguy hại còn lớn hơn rất nhiều.
Bởi nếu thế, tấm bằng không thực chất, nếu không muốn nói là giả dối này, đã “tiếp tay” cho nhiều sự “thăng tiến” không xứng đáng, làm mất đi cơ hội của những người đã học thật, nhận bằng thật. Đơn cử như vụ nghiên cứu sinh nói trên, nếu 7 tấm bằng trên là giả và bị bác bỏ kết quả, có nghĩa là có 7 người khác sẽ có cơ hội tham gia học nghiên cứu sinh.
Xử lý ra sao với những tấm bằng này, rà soát lại và xử lý cho xong hậu quả của hàng trăm tấm bằng “vô giá trị” mà ĐH Đông Đô đã cấp, sẽ là một câu chuyện dài, với một thời gian không thể ngắn. Cũng sẽ tốn công, tốn sức, hao tổn nhiều tài nguyên của xã hội, khi mà có những vị trí, công việc sẽ phải dở dang, phải lật lại; nhiều sự bổ nhiệm, nhiều tấm bằng có giá trị cao hơn tấm văn bằng 2 tiếng Anh này sẽ phải được xem xét, thu hồi.
Hệ luỵ là không thể tránh khỏi. Nhưng dù là khó, dù là sẽ mất thời gian, sẽ phải có những sự mất mát không hề nhỏ, vẫn phải làm tới cùng; để làm trong sạch và trả lại cho nền giáo dục những tấm bằng chân chính.
Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm cao hơn nữa của các cơ quan quản lý? Tại sao nhiều năm trời ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2, những tấm bằng của ĐH Đông Đô ngang nhiên được sử dụng cho các mục đích khác nhau; mà không ai phát hiện, xử lý? Có một sự buông lỏng, quan liêu; hay thực chất còn những câu chuyện hậu trường nào đó? Không thể kết luận vội vã, nhưng rõ ràng, ở đây các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ GD – ĐT, không thể coi như mình “vô can” trong nỗi đau thật từ những tấm bằng giả này!