Bản lĩnh doanh nhân

Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Doanh nhân Việt Nam động viên họ tích cực tham gia kháng chiến, cứu quốc trong hoàn cảnh đất nước ta vừa mới giành được độc lập và đang chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.


Xác lập lại vị thế của giới Doanh nhân cũng như những đóng góp to lớn vào quá trình đi lên của đất nước, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Kể từ đó, ngày 13 tháng 10 là ngày hội lớn của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Đó cũng chính là dịp để toàn xã hội tôn vinh và thể hiện niềm tin vào các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

 

Với tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, lòng dũng cảm, tinh thần sáng tạo, các doanh nhân Việt Nam đã tìm tòi tự tạo ra một nhân cách mới, nhân cách doanh nhân Việt Nam giàu lòng yêu nước, đầy văn hóa, trí tuệ. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, doanh nhân Việt Nam chính là những người đi đầu trong hội nhập và phát triển kinh tế, để theo kịp và sánh vai cùng các nước.


Nhiều người cho rằng kinh doanh như là một trận tuyến thì trong bối cảnh hiện nay đó là trận tuyến toàn cầu, không tiếng súng, không đầu rơi máu chảy nhưng vô cùng khốc liệt. Sự thành bại của doanh nhân quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp; và cũng là lẽ sống còn, là cơm ăn, áo mặc của hàng triệu người lao động. Nhìn rộng hơn, sự thành bại của doanh nhân luôn có tác động trực tiếp đến tiềm lực kinh tế cuả đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “ Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

 

Trong tình hình kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thì tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc đối với doanh nhân càng có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm còn đòi hỏi doanh nhân có tri thức lớn và tầm nhìn xa trông rộng để hoạch định chiến lược phát triển đúng đắn; tạo dựng những thương hiệu Made in Việt Nam nổi tiếng trên thương trường trong nước và quốc tế.

 

Hiện nay, khi mà rất nhiều doanh nghiệp đang phải cầm cự để tồn tại thì nhiều doanh nhân đã biết làm chủ hoàn cảnh, biến thách thức thành cơ hội đổi mới doanh nghiệp. Một trong những việc mà nhiều doanh nghiệp đã làm và đang tiếp tục làm là xem xét lại toàn bộ nền quản trị của doanh nghiệp mình một cách nghiêm túc. Đồng thời tìm biện pháp khả thi nhất để tái cấu trúc doanh nghiệp; biến hoàn cảnh khó khăn thành một tiền đề cho phát triển bền vững. Trước hết, doanh nghiệp cần sắp xếp lại bộ máy quản lý cho phù hợp, gọn nhẹ và hoạt động hiệu quả hơn; đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, định hướng phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phù hợp với bối cảnh kinh tế đất nước.

 

Sau những chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ phát huy hiệu quả, kinh tế đã bắt đầu có tín hiệu tốt. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nhân nhận thức rõ về về thời cơ cũng như những khó khăn trước mắt để tìm ra giải pháp tháp gỡ. Một loạt vấn đề như tái cấu trúc hay đầu tư mở rộng đang đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân phải tính toán cẩn trọng, phù hợp với hoàn cảnh và luật pháp cũng như đáp ứng được những nhu cầu trên thị trường.

 

Qua đó, sẽ thể hiện ý chí và bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam.

 


Nguyễn Quang Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN