Nêu gương, chắc chắn không phải là câu chuyện mới. Bởi nó đã được thấm nhuần trong tư tưởng Hồ Chí Minh và lan tỏa ra toàn xã hội. Đảng, Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu nói chung. Thế nhưng, thời điểm này, việc ban hành một Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, hướng đến các cán bộ cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, chính là một sự đổi mới rất đúng và trúng.
Nhìn thẳng vào thực tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, kết quả thu được từ công tác nêu gương tuy đã tạo được một số bước chuyển biến tích cực. Thế nhưng, vẫn còn đâu đó những hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong… Đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân...”.
Rõ ràng, thời gian qua, bài học đau xót từ một số vụ việc cán bộ cấp cao của Đảng, từ đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương cho đến người đứng đầu một số địa phương, bộ ngành… mắc phải sai lầm, vi phạm kỷ luật, pháp luật, tham nhũng, tiêu cực… bị đưa ra xét xử hoặc cho thôi chức, kỷ luật Đảng, đã phần nào làm mất đi niềm tin, yêu của người dân đối với Đảng. Dù chỉ là một bộ phận nhỏ trong Đảng vi phạm, nhưng do đây lại là những “yếu nhân”, nên vô hình chung đã tạo ra sự thất vọng, hoang mang, thậm chí là mất đi niềm tin của dân. Bởi vậy, Đảng không thể không có ngay những thông điệp mạnh, biện pháp rốt ráo để ngăn chặn, chấm dứt hiện tượng này. Và việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chính là một việc hết sức cần thiết, vừa để chỉnh đốn, củng cố sự vững mạnh, trong sạch của Đảng; vừa để dân an, dân thương; vừa đập tan âm mưu lan truyền những thông tin xấu, bóp méo về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; lợi dụng tình hình để thổi phồng sự việc, lôi kéo kích động người dân tham gia chống đối Đảng, Nhà nước, chính quyền của các thế lực thù địch.
Với sự thống nhất cao, Dự thảo Quy định với các nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và những nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, đang được Tổng Bí thư kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 8 đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, có tính khả thi, tạo sự thống nhất cao và ban hành được Quy định để tổ chức triển khai thực hiện. Về phía người dân, không chỉ ủng hộ sự ra đời của quy định kịp thời, đúng đắn này mà còn mong mỏi rằng, quá trình triển khai thực hiện phải thật nghiêm minh, thật hiệu quả, thật tự nguyện, thấm nhuần. Làm sao để mỗi cán bộ cấp cao đều phải là những tấm gương sáng rọi về mọi mặt, không được phép có vết xước, tạo sự lan tỏa trong Đảng và quần chúng. Đặc biệt, không để sót lọt tội, không bao che dung túng cho những “tấm gương” bị hoen ố nếu có và cũng không có vùng cấm dù có rơi vào những vị trí cao nhất!
Trong văn hóa phương Đông, nêu gương được coi là phương pháp giáo dục tốt nhất. Sách Luận ngữ của Khổng Tử dạy rằng: Nhà cầm quyền tự mình giữ theo chính đạo, thì chẳng cần đợi ra lệnh, dân cũng ăn ở theo chính pháp; còn nếu như tự mình chẳng giữ theo chính đạo thì dẫu ra lệnh buộc dân theo, dân cũng không theo. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì khẳng định: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người cũng coi sự nêu gương của cán bộ, đảng viên là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Một Quy định về nêu gương trong Đảng được ban hành, bởi vậy, chính là sự kế thừa, học tập thiết thực những tư tưởng lớn, đồng thời là sự vận dụng sáng suốt và linh hoạt trong tình hình mới của Đảng ta!